Hiện nay, 70 - 80% doanh nghiệp taxi ở Hà Nội có dưới 200 đầu xe - Ảnh: Ngô Vinh |
Doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tới đây sẽ phải nâng quy mô số lượng xe. Đây là nội dung được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất trình Bộ GTVT trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Doanh nghiệp taxi phải tăng mạnh đầu xe
Điều 18 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ điều chỉnh quy mô của DN, HTX kinh doanh vận tải bằng xe taxi quy định, từ ngày 1/7/2018, đơn vị kinh doanh vận tải taxi có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc T.Ư loại đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM) phải có số xe taxi tối thiểu từ 200 xe trở lên (tăng 150 xe so với quy định cũ). Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc T.Ư khác phải có từ 20 xe trở lên (tăng 10 xe so với quy định cũ), đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại phải có từ 10 xe trở lên.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định lần này cũng quy định rõ về niên hạn sử dụng xe. Cụ thể, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm thay vì hiện đang quy định niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt và không quá 12 năm tại các địa phương khác.
"Việc tăng thêm số lượng xe sẽ có điều khoản chuyển tiếp trong Nghị định cho các đơn vị đã thực hiện. Các cơ quan quản lý Nhà nước đều mong muốn DN phát triển. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó do bị hạn chế số lượng bởi quy hoạch, nhưng không có nghĩa vì thế không quy mô hóa phát triển DN. “Quan điểm của Bộ GTVT là làm sao phát triển được hệ thống taxi vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ, vừa bền vững, minh bạch." Bà Phan Thị Thu Hiền |
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, những quy định trong dự thảo về quy mô số lượng xe của các đơn vị vận tải bằng taxi với mục tiêu là tạo ra những DN, HTX vận tải taxi đủ lớn để cung cấp dịch vụ an toàn, tiện lợi cho người dân. “Nếu DN không tích tụ sản xuất, không phấn đấu thành đơn vị có quy mô lớn, bằng lòng với việc hoạt động chỉ có 5 - 10 xe, 50 năm nữa hoạt động vận tải taxi sẽ mãi dậm chân tại chỗ”, ông Bình nói.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về vận tải, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết, quy định về số lượng xe là cần thiết. Nếu DN có quy mô số lượng xe trực tiếp sản xuất ít, sẽ không đủ sức nuôi bộ máy gián tiếp làm công tác điều hành. Quan điểm quản lý Nhà nước là phải giúp DN phát triển, đứng vững trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, ở góc độ DN, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, ở các vùng ngoại ô của Hà Nội như: Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... trước đây khi Nghị định 86 quy định tối thiểu là 50 xe, nhiều DN không đáp ứng được đã phải giải thể. Chỉ cần đầu tư 10 xe sẽ mất 5 tỷ đồng, nếu 50 xe mất 25 tỷ đồng, còn nếu thêm 150 xe nữa phải mất thêm 75 tỷ đồng, nhiều DN không thể thực hiện được. Khi đó, ở Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất có thể sẽ là “vùng trắng” về taxi.
“Hiện ở Hà Nội, DN có dưới 200 đầu xe chiếm tới khoảng 70 - 80%. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, theo quy hoạch Hà Nội đang “khống chế” số lượng xe của các DN. Bây giờ lại quy định phải tăng đầu xe, rõ ràng hai quy định này mâu thuẫn nhau”, ông Bình lý giải.
Sẽ siết quy mô theo lộ trình
Vận tải taxi sẽ bị quản chặt hơn bằng các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo theo hướng tăng cường quản lý điều kiện ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô phát triển của loại hình kinh doanh vận tải này đang bị hạn chế bởi quy hoạch nên theo ban soạn thảo, Nghị định sẽ có lộ trình thực hiện để tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Hải Phòng cho biết, theo quy định của Nghị định 86, nhiều DN có 5 xe ở Hải Phòng đã cố gắng bổ sung lên 10 xe. “DN có số lượng xe lớn không nhiều, vì vậy quy mô DN nên áp dụng đối với các đơn vị mới thành lập. Với DN cũ, chúng tôi đề nghị để tồn tại như hiện nay vì thời gian của niên hạn xe theo Nghị định 86 không còn nhiều”, ông Quang đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Hồ Chương, Tổng giám đốc Công ty CP Mai Linh Miền Bắc cho rằng, trong khi quy hoạch của địa phương không cho tăng xe, nhưng Nghị định lại yêu cầu phải có quy mô lớn sẽ trái nhau. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp, cho phép DN 5 năm sau phải đạt được yêu cầu về quy mô. Nếu DN đạt được thì tiếp tục hoạt động, ngược lại nếu sau thời gian này, DN không đạt được quy mô xe theo quy định phải dừng hoạt động.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Quang Bình cho rằng: “Hoàn toàn có thể giải được bài toán quy mô DN, vì quy định của pháp luật hiện nay không có hồi tố. Đơn vị nào được phép hoạt động trước thời điểm Nghị định thay thế Nghị định 86 có hiệu lực thì quy mô vẫn được phép giữ nguyên tối đa theo niên hạn là hết 12 năm, trong khoảng thời gian này DN phải đầu tư tăng số lượng xe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận