Thiệt đơn thiệt kép
Báo Giao thông nhận được đơn thư phản ánh của Công ty TNHH Vận tải Quốc Nghị (địa chỉ tại số 9, đường 16, khu phố 1, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) về việc nửa tháng nay, xe container BKS 50H-100.33 kéo theo rơ-moóc BKS 51K-329.78 của đơn vị bị chủ hàng Trung Quốc giữ lại đòi tiền chuộc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, điều hành Công ty Quốc Nghị, ngày 22/11, theo hợp đồng vận chuyển mít xuất khẩu giữa công ty và vựa trái cây Tiến Phát do ông Phan Minh Tiến (trú tại xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang) làm chủ, công ty đã cho xe đến bốc 23.990kg hàng với số tiền cước 96 triệu đồng theo hợp đồng.
Trụ sở vựa trái cây Tiến Phát tại Cai Lậy, Tiền Giang, nơi xuất phát của lô hàng
Theo hợp đồng, hàng trả sau 22 giờ tại bãi xe Bảo Nguyên, cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
Ngày 24/11, xe Công ty Quốc Nghị ra tới cửa khẩu Tân Thanh theo đúng hợp đồng ký kết nhưng chưa có ai đến nhận hàng. Xe đỗ tại bãi xe Bảo Nguyên đến ngày 4/12 thì có đại diện chủ hàng Trung Quốc đến kiểm tra, vệ sinh hàng hóa.
Trưa 6/12, người này yêu cầu lái xe của Công ty Quốc Nghị giao xe cho lái xe chuyên trách tại bãi xe Bảo Nguyên đưa xe qua Trung Quốc trả hàng.
3 ngày sau (ngày 9/12), tài xế của Công ty Quốc Nghị được người của vựa trái cây Tiến Phát gọi điện báo toàn bộ số mít trên xe bị hư hỏng nên chờ giải quyết, chưa cho xe về Việt Nam.
Sau nhiều lần liên lạc, ngày 16/12, Công ty Quốc Nghị được ông Phan Minh Tiến, chủ vựa trái cây cho biết, lô hàng trên bị hỏng, bán lỗ hơn 240 triệu đồng nên yêu cầu Công ty Quốc Nghị bồi thường 166 triệu đồng, gồm 70 triệu đồng tiền phạt và 96 triệu đồng tiền cước vận chuyển thì mới báo cho xe về Việt Nam.
“Xe tôi đã thực hiện đúng hợp đồng là sau 22 giờ vận chuyển sẽ trả hàng tại cửa khẩu Tân Thanh. Tại đây, ngày 4/12, phía mua hàng đã kiểm tra, vệ sinh hàng hoá, thấy hàng đạt mới cho chuyển sang Trung Quốc. Tắc biên nên xe phải nằm lại cửa khẩu 16-17 ngày, hàng hoá nguy cơ bị hỏng rất cao, nếu hàng hỏng sao lúc phía mua hàng kiểm tra vẫn đưa sang Trung Quốc? Chủ hàng, người mua vẫn cố tình đưa xe sang Trung Quốc để gây sức ép, đòi tiền chuộc chúng tôi”, ông Quân nói.
Doanh nghiệp vận tải nắm “đằng lưỡi”?
Công ty Quốc Nghị khẳng định, ngày 4/12, đại diện chủ hàng Trung Quốc kiểm tra, khẳng định trái cây đạt chất lượng, đủ độ để xuất khẩu sang Trung Quốc
Trong khi đó, ông Phan Minh Tiến, chủ vựa trái cây Tiến Phát khẳng định, tài xế chiếc xe trên thực hiện không đúng hợp đồng, chạy xe không đúng độ lạnh yêu cầu nên khiến 1 số hàng trên xe bị hỏng.
Cụ thể, khi xe đến Đà Nẵng, ông Tiến bảo tài xế kiểm tra thì nhiệt độ mít trên xe là 18 độ chứ không phải 8-9 độ như yêu cầu.
Còn trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vòng Tái Nam, phiên dịch của chủ hàng Trung Quốc và người phụ nữ tên Hồng, đại diện nhận hàng bên đầu Trung Quốc chỉ khẳng định: “Lô hàng trên bị hỏng hết nên xe bị giữ lại tại nước bạn, chờ chủ xe đền toàn bộ giá trị lô hàng mới trả xe về Việt Nam”.
Trước thông tin này, ông Quân khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm hợp đồng, trên đường vận chuyển, độ lạnh của trái cây sẽ xuống dần theo quãng đường di chuyển. Lúc đó, mới từ Tiền Giang ra đến Đà Nẵng, nhiệt độ sẽ chưa thể giảm sâu đến mức yêu cầu. Xe nào cũng vậy nhưng chẳng ai bị hỏng hàng khi đến cửa khẩu. Khi xe đến cửa khẩu kiểm tra, độ lạnh trái cây vẫn đạt yêu cầu, đo độ chíp gắn trên xe vẫn chạy thẳng đều”.
Ông Quân cho biết thêm, trong thời gian nằm chờ ngoài hợp đồng, công ty vẫn phải cho xe nổ máy với cả nghìn lít dầu để duy trì độ lạnh của trái cây trên xe.
“Đây là việc cố tình bắt bẻ để đòi tiền chuộc của chủ vựa và chủ hàng Trung Quốc. Tôi đã yêu cầu trả xe về Việt Nam, việc đền hàng sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý, bên nào sai phải chịu nhưng không được chấp thuận. Hiện, Công ty Quốc Nghị đã gửi đơn trình báo, đề nghị Công an xã Mỹ Thành Nam vào cuộc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, ông Quân nói.
Đây không phải là lần đầu tiên xe của doanh nghiệp vận tải Việt bị chủ hàng Trung Quốc bị giữ lại, đòi tiền chuộc.
Trước đó, ngày 19/6/2021, xe container BKS 98H-000.70 của Công ty TNHH Logistics An Hải xuất cảnh, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng bị chủ hàng Trung Quốc giữ lại với lý do lô hàng bị hỏng trong nhiều tháng.
Dù các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc điều tra; hội đàm, gửi thư đề nghị phía bạn giải quyết theo pháp luật và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty TNHH Logistics An Hải vẫn “lực bất tòng tâm”, buộc phải trả 270 triệu đồng để chuộc xe về từ Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, trường hợp thực hiện sai theo hợp đồng thì đương nhiên phải chịu bồi thường, nhưng mọi việc cần theo quy định pháp luật.
Bởi hợp đồng không có điều kiện giữ xe, đòi tiền chuộc như thực tế đang xảy ra. Việc phía chủ hàng và bên nhận hàng tự ý giữ xe, đơn phương định giá thiệt hại, yêu cầu doanh nghiệp vận tải chuộc xe đang gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp vận tải khi xe bị giữ trong thời gian dài…
Theo lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, tình trạng phương tiện bị chủ hàng Trung Quốc giữ lại tại nước bạn để yêu cầu đền tiền hàng hóa bị hỏng diễn ra khá phổ biến.
Việc tự ý giữ lại phương tiện là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và thông lệ quốc tế.
“Trong những trường hợp trên, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và tỉnh Lạng Sơn sẽ tích cực hội đàm, gửi thư đề nghị cơ quan chức năng nước bạn vào cuộc giải quyết theo quy định, sớm trả xe về Việt Nam. Tuy nhiên, phía bạn thường yêu cầu chủ hàng Việt Nam và các cá nhân, đơn vị liên quan phải xử lý dứt điểm tranh chấp dân sự mới giải quyết cho phương tiện về Việt Nam. Thường thì phần thiệt trong những vụ việc như trên đều thuộc về doanh nghiệp vận tải Việt Nam khi xe đang ở nước bạn nên buộc phải trả tiền để chuộc xe”, một cán bộ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận