Thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến người già có nguy cơ bị đột quỵ |
Người già nguy cơ đột tử
Bà Minh (52 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa hết thảng thốt trước sự ra đi quá nhanh của người chồng. Theo bà Minh, dù đã gần 60 tuổi, nhưng chồng bà hiếm khi đau ốm. Ông sinh hoạt điều độ, thường có thói quen đi bộ buổi tối, rồi tắm trước khi ngủ đêm, dù là đông hay hè.
Trong cái đêm định mệnh ấy, sau khi cùng bà đi tập về, ông tắm và tranh thủ vào phòng đọc sách báo. “Nửa đêm không thấy ông vào ngủ, sang phòng sách tìm thì thấy ông đã nằm gục tự lúc nào, gọi cấp cứu cũng không kịp. Bác sĩ lý giải, do sau khi tắm, ông lại vào nằm ngay trong phòng để chế độ điều hòa lạnh khiến nhiệt độ cơ thể hạ thấp đột ngột, máu không lưu thông tốt, dẫn đến nhồi máu cơ tim”, bà Minh nghẹn ngào.
"Tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng có nhiệt độ dưới 25 độ C và không để trẻ nằm thẳng hướng gió điều hòa hoặc hướng quạt”. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng |
Theo bác sỹ Phạm Đức Huy, PGĐ Bệnh viện GTVT T.Ư, bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong có nguyên nhân từ việc sau khi tắm nước lạnh lại nằm điều hòa chế độ lạnh ngay; hoặc vừa đi nắng về lập tức tắm nước lạnh để giải nhiệt. “Chính sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến nhiều người vốn có nền bệnh tim mạch hoặc hô hấp có nguy cơ cao bị đột quỵ”, bác sỹ Huy nói.
Bác sỹ Huy tư vấn, điều cấm kỵ nhất với người lớn tuổi, trẻ nhỏ là khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, cần phải để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Chẳng hạn, khi từ phòng lạnh bước ra ngoài nên mở to cửa và đứng ở cửa khoảng 2-3 phút; khi từ ngoài vào phòng điều hòa nên để điều hòa ở chế độ cao rồi hạ thấp nhiệt độ dần. Khi ở trong phòng có điều hòa, mọi người nên uống nhiều nước để chống khô họng. “Những ngày nắng nóng nên để máy lạnh ở mức từ 25 - 28°C để cơ thể không phải chống nóng hoặc chống lạnh và không bị choáng váng khi thay đổi môi trường đột ngột”, bác sỹ Huy cho biết.
Bên cạnh đó, người già, trẻ nhỏ, người ốm bệnh không nên tắm muộn và nên tắm bằng nước ấm dù hè hay đông. Khi tắm xong tuyệt đối không vào phòng điều hòa ngay. Nếu phòng lúc đó đang bật điều hòa cũng phải tắt đi, để cơ thể thích nghi dần rồi mới bật lại. “Đặc biệt, nhiều người có thói quen mùa hè tắm xong, cởi trần nằm đất cho mát. Thói quen này cực kỳ nguy hiểm vì nhiệt độ ban ngày, ban đêm chênh nhau, dễ gây nguy cơ cảm lạnh, viêm phổi. Nhất là với những người có bệnh tiềm tàng về mạch máu não rất có nguy cơ tai biến mạch máu não, có thể gây đột tử”, bác sỹ Huy khuyến cáo.
Trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp
Chị Nguyễn Thị Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang điều trị viêm phổi tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để tránh mấy ngày nóng nực vừa qua, hai mẹ con quyết định “trú” trong phòng điều hòa. “Chỉ sơ sểnh có một đêm ngủ quên không tăng nhiệt độ, sáng ra đã thấy con bé húng hắng ho và hâm hấp sốt. Qua có một ngày không đỡ, đến viện các bác sĩ đã bảo chớm viêm phổi phải nhập viện điều trị”, chị Bình than thở.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chính thời tiết nắng nóng, oi bức khiến trẻ nhỏ quấy khóc. Các bậc phụ huynh sử dụng nhiều cách để hạ nhiệt mà phổ biến là máy điều hòa nhiệt độ, các loại quạt, nệm nước. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách đã lợi bất cập hại khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi dẫn đến phát bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bác sỹ Dũng liệt kê một số nguy cơ gây bệnh từ thiết bị làm mát, đó là quạt máy luôn tạo vòng xoáy hút bụi bặm, vi khuẩn. Vì thế, nên nếu để thổi trực tiếp lâu dài vào cơ thể trẻ sẽ làm cơ thể trẻ mất nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vùng hầu họng, gây bệnh. Trẻ nằm ngủ trong phòng gắn máy điều hòa mà không bảo đảm độ thông thoáng hoặc nằm liên tục trong thời gian dài dễ dẫn đến hiện tượng khô người. Trong môi trường phòng máy lạnh, độ ẩm thấp, nấm mốc dễ sinh sống cộng với lượng khí carbon làm cho trẻ bị ngợp. Bệnh do thiết bị “giải nhiệt” gây ra thường gặp nhất với trẻ là cảm lạnh, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận