Ngày 21/9, phát biểu tại hội thảo do Lực lượng Không quân Mỹ tổ chức ở bang Maryland, Đô đốc Charles Richard - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cho biết lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đối mặt nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân với đối thủ ngang hàng.
Theo ông Richard, Mỹ cần chuẩn bị trước cho khả năng căng thẳng leo thang nhanh chóng và nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp với đối thủ ngang hàng có năng lực hạt nhân.
Ông Richard cho rằng Nga, Trung Quốc có thể đẩy quy mô hành vi bạo lực lên bất cứ cấp độ nào và nước Mỹ chưa từng đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh như vậy trong thời gian dài.
Đô đốc Charles Richard - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ.
Theo hãng tin RT, hiện tại học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân vào lãnh thổ, cơ sở hạ tầng của Nga hay sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa bởi vũ khí truyền thống hoặc vũ khí hạt nhân.
Với Mỹ, học thuyết hạt nhân của nước này cho phép tấn công hạt nhân trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ cùng đồng minh và đối tác.
Vấn đề hạt nhân được nhắc đến nhiều hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại quan điểm Nga sẵn sàng sử dụng toàn bộ phương tiện có thể để bảo vệ đất nước và người dân trong trường hợp lãnh thổ bị đe dọa trong bài phát biểu ngày 21/9.
Phản ứng trước phát ngôn của ông Putin, ngay cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho rằng việc Tổng thống Nga ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân là “cách sử dụng từ ngữ vô trách nhiệm đối với một cường quốc hạt nhân”.
Ông Kirby cho biết Washington đang theo dõi tình hình nhưng cũng khẳng định chưa có dấu hiệu cho thấy Nga thay đổi chiến lược, do đó, Mỹ chưa cần thiết thay đổi chiến lược về vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Kirby cũng cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” với Nga trong trường hợp quốc gia này quyết định triển khai vũ khí hạt nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận