Nhu cầu của du khách ra vào các đảo ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định rất lớn nhưng các đơn vị vận tải không dễ gì đáp ứng.
Lý do là đang rất thiếu thuyền trưởng có đủ bằng cấp, giấy tờ điều khiển tàu cao tốc.
Nhiều ca nô nằm bờ tại bến Hàm Tử (TP Quy Nhơn) do không đủ điều kiện hoạt động
Thiếu thuyền trưởng, giám đốc phải lái tàu
Những ngày đầu tháng 3/2022, anh Thiên (33 tuổi, trú TP Quy Nhơn) liên hệ qua điện thoại để đặt vé tàu cao tốc của Công ty TNHH Cù Lao Xanh Travel đi từ bến Hàm Tử, TP Quy nhơn ra Cù Lao Xanh.
Tuy nhiên, nhân viên trực thông báo, cano của công ty ngưng hoạt động ra đảo vì chưa đủ điều kiện. Muốn tìm tàu cao tốc ra đảo du lịch lúc này, với anh Thiên và nhiều hành khách khác là cực khó.
Quy Nhơn đang bước vào mùa du lịch, nhu cầu của du khách ra tham quan, nghỉ dưỡng tại Cù Lao Xanh gia tăng. Tại khu vực bờ Quy Nhơn, số tàu cao tốc đủ điều kiện hoạt động chở khách ra đảo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong đó, nhiều nhất là Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng (TP Quy Nhơn) cũng chỉ có 2 phương tiện tàu cao tốc đăng kiểm VR-SB, được hoạt động trong vùng biển 12 hải lý trở lại, đủ điều kiện chở khách ra Cù Lao Xanh.
Có tàu nhưng nỗi lo thiếu thuyền trưởng luôn thường trực. Ngày cao điểm, đích thân giám đốc công ty phải trực tiếp xuống tàu cầm lái vì có bằng thuyền trưởng theo quy định.
Theo ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Sơn Tùng, thời gian qua, công ty liên tục đăng tải tuyển dụng lái tàu cao tốc. Nhiều chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp, hỗ trợ ăn ở cho thuyền trưởng được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhân sự phù hợp.
“Ngoài bằng thuyền trưởng, lái tàu phải đáp ứng hàng loạt chứng chỉ chuyên môn khác. Hầu hết các ứng viên đều chưa đáp ứng tiêu chí này nên công ty không thể tuyển dụng”, ông Tùng nói.
Ông Lê Văn Liệu (SN 1964), là thuyền trưởng tàu cao tốc của Công ty Sơn Tùng cho biết, ngoài vấn đề giấy tờ bằng cấp, thuyền trưởng tàu cao tốc còn phải có kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, xử lý tình huống nhanh nhạy… để đảm bảo an toàn cho khách.
Được biết, ông Liệu có gần 10 năm lái tàu vận tải hàng hóa trên biển. Thời điểm đó, ông được cấp bằng hạng 5, đủ điều kiện lái tàu chở hàng có tổng trọng tải 500 Gross (tương đương gần 500 tấn).
Nhưng để lái tàu cao tốc, ông phải đăng ký học lớp thuyền trưởng tàu SB ở Trường Cao đẳng GTVT Trung ương VI tại TP.HCM.
“Ngoài có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ điều khiển phương tiện cao tốc, tôi còn phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện ven biển, chứng chỉ an toàn ven biển và chứng chỉ an toàn cơ bản”, ông Liệu cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, hiện nay việc không có tàu cao tốc đủ điều kiện để vận chuyển khách ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác điểm du lịch Cù Lao Xanh.
Siết chặt quản lý
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, trên địa bàn hiện có trên 100 phương tiện cao tốc chở khách du lịch. Trong đó, chủ yếu là cano chuẩn SI (hoạt động từ cửa sông trở vào, sông, hồ, đầm, vịnh kín), còn lại 10 tàu cao tốc được phép hoạt động chở khách ra vào đảo.
Tuy nhiên, hầu như trong số các thuyền trưởng rất ít người đủ tất cả điều kiện về bằng cấp và các chứng chỉ chuyên môn khác.
Trung tá Nguyễn Hồng Vang, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, ở địa phương chưa có trường hay trung tâm đào tạo cấp các loại bằng, chứng chỉ chuyên môn đường thủy nên người dân rất khó khăn để có thể đảm bảo đủ điều kiện lái tàu loại VR-SB. Ai muốn đi học phải vào TP.HCM hay Khánh Hòa.
Sau vụ chìm tàu cao tốc ngày 26/2 tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) làm 17 người chết, hoạt động vận tải đường thủy, đặc biệt là tàu cao tốc chở du khách ở các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định được siết chặt.
Theo Trung tá Vang, trên địa bàn tỉnh có trên 20 bến, bãi hoạt động chở khách dân sinh và khách du lịch. Lực lượng cảnh sát đường thủy thường xuyên tăng cường công tác TTKS, xử lý vi phạm.
Riêng với các phương tiện cao tốc hoạt động chở khách du lịch thì trước khi hạ thủy đều kiểm tra, phương tiện nào đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, bằng, chứng chỉ chuyên môn, trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh mới được phép hoạt động.
Lãnh đạo Sở GTVT Bình Định cho biết, tổng số phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn được đăng ký đến nay là 315 chiếc. Trong đó, phương tiện chở người, hành khách là 265 chiếc và 50 chiếc phương tiện chở hàng hóa.
Đơn vị đã kiểm tra hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên một số tuyến phục vụ du lịch vào mùa hè và một số tuyến phục vụ dân sinh với quy mô nhỏ. Đến nay, mới chỉ có khoảng 17 phương tiện hoạt động trên 3 tuyến đường thủy nội địa phục vụ dân sinh là: Hải Cảng - Nhơn Châu, Hải Cảng - Hải Minh (TP Quy Nhơn) và Vinh Quang - Cồn Chim (thuộc địa bàn Tuy Phước).
Xử lý người đứng đầu nếu để tàu du lịch gặp nạn
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh đã làm việc với các sở, ngành chức năng để kiểm tra, rà soát hoạt động chở khách du lịch ra vào các đảo, ven biển trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra chặt chẽ các điều kiện hoạt động, chỉ cho hoạt động, rời bến những phương tiện đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành. Trường hợp để xảy ra tai nạn tàu du lịch do không đảm bảo các yêu cầu này, người đứng đầu sở, ngành chức năng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận