Ông Nguyễn Đình Dệ bên ruộng dưa của gia đình |
Xã Đại Cường (huyện Đại Lộc) là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ trái mùa vào cuối tháng ba vừa qua. Ruộng dưa giờ không còn quả nào. Ông Nguyễn Đình Dệ (49 tuổi) ngán ngẩm: “Dưa gặp lũ nên mất mùa, mất giá. 7 người chúng tôi cùng nhau thuê mảnh đất 6 ha ven sông với giá 30 triệu/năm. Sau trận lũ, giờ chúng tôi trắng tay, ôm món nợ 180 triệu đồng”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là số tiền “nợ nóng” của đại lý phân phối giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh... Theo tính toán của ông Dệ, tổng thiệt hại của vụ dưa vừa rồi là gần 500 triệu, chia đều cho các hộ gia đình. “Giờ có trồng lại cũng chịu vì nợ tiền của chủ các đại lý giống và phân bón nên họ không cho mua tiếp nữa”, ông Dệ rầu rĩ.
Ông Tô Bỗng, Trưởng thôn 8, xã Đại Cường cũng chính là chủ đại lý cung ứng phân bón cho các hộ dân trong xã, cho hay: “Cũng muốn cung cấp giống cho họ, nhưng ai cũng nợ, khiến gia đình hết vốn, đành phải chờ họ trả một phần tiền thì mới tiếp tục nhập về bán tiếp được”.
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, trong cơn lũ vừa qua, toàn huyện có 87 ha dưa hấu bị thiệt hại với tổng trị giá ước tính lên tới 5,2 tỷ đồng; tập trung tại 5 xã ven sông là: Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Đồng, Đại Phong và Đại Minh.
Ông Hứa Địch Thanh (54 tuổi, nông dân xã Đại Cường) chia sẻ: “Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, chúng tôi trồng từ đậu phộng, ớt cho đến dưa hấu nhưng chưa bỏ túi được đồng nào, thậm chí đổ nợ. Bởi điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ diễn ra liên miên. Thị trường đầu ra bị chi phối, thương lái thao túng, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của các lái buôn Trung Quốc…”.
Việc các “hiệp sỹ cứu dưa” góp phần giảm một phần thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, theo các hộ trồng dưa cần có giải pháp căn cơ, chính sách kinh tế phù hợp. “Chúng tôi chỉ mong vào mỗi vụ thu hoạch, nông dân tìm được đầu ra cho nông sản”, ông Thanh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận