Xã hội

Đô thị Hải Phòng đến năm 2050 sẽ phát triển thế nào?

12/08/2024, 06:00

Theo quyết định của UBND TP Hải Phòng, đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Xây dựng để trở thành đô thị hàng hải toàn cầu

Theo quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm phát triển của vùng, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đô thị Hải Phòng đến năm 2050 sẽ phát triển thế nào?- Ảnh 1.

Hải Phòng đang phát triển đô thị theo hướng bền vững, rõ nét.

Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa trên địa bàn theo hướng bền vững, đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc văn hóa, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, kết nối với khu vực và thế giới.

Phát huy đô thị lịch sử tôn vinh giá trị văn hóa con người Hải Phòng; xây dựng thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á với các tính chất nổi trội đặc biệt như: phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics.

Xây dựng bền vững đô thị, phát triển trở thành đô thị hàng hải toàn cầu với hạ tầng hiện đại, thông minh, hướng sông - hướng biển, xanh, sử dụng năng lượng tối ưu, bảo vệ hệ sinh thái và không gian sống hấp dẫn.

Đô thị Hải Phòng đến năm 2050 sẽ phát triển thế nào?- Ảnh 2.

Những cây cầu mới được hình thành mang tính kết nối, giúp Hải Phòng đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đến năm 2045-2050, TP Hải Phòng thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

Mục tiêu phát triển đô thị được TP Hải Phòng đề ra đến năm 2025, tỉ lệ đô thị hóa thành phố đạt khoảng 60-70%; Mật độ dân số toàn đô thị: 2.000-3.000 người/km²; Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố đạt 31-32%. 

Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, đến năm 2025 đạt 16%-≥24%; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn.

Đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74-76%; Mật độ dân số đạt 3.000-3.500 người/km²; Tỉ lệ đất xây dựng đô thị đạt 34-35%; Tỉ lệ đất giao thông đạt 16%-≥26%.

Giai đoạn đến năm 2035, tiếp tục phát triển TP Hải Phòng theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 76-80%. Mật độ dân số đạt 3.000-3.800 người/km². Tỉ lệ đất xây dựng đô thị khoảng 34-38%. Tỉ lệ đất giao thông đạt 16%-≥26%.

Phát triển đô thị TP Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II. Xây dựng, phát triển các đô thị mới các đô thị loại V và một số đô thị hiện hữu lên đô thị loại IV theo định hướng phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đô thị Hải Phòng đến năm 2050 sẽ phát triển thế nào?- Ảnh 3.

Tầm nhìn đến năm 2025, Hải Phòng giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 80-86%. Số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính, quận, phường dự kiến thành lập mới, số lượng đô thị, khu vực đô thị thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2035-2040 và các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành theo quy định.

Mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang khu vực huyện Cát Hải, thành lập quận Cát Hải (đô thị ở hải đảo). Khu vực nội thành gồm 10 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương, Kiến Thụy và Cát Hải.

Tầm nhìn đến năm 2045-2050, xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trở thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.