Hội nghị đánh giá tác động của FTA vừa được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước |
Ông Claudio Dordi - Trưởng Nhóm tư vấn kỹ thuật Dự án EU-MUTRAP cho biết, nếu được ký kết, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định, lương thực tế và thu nhập quốc gia sẽ tăng. Chỉ việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán đã làm tăng xuất khẩu của VN sang EU lên khoảng 30% đến 40%, cao hơn mức tăng trong nhập khẩu- điều có thể xảy ra nếu hiệp định không được ký kết.
Sau 6 vòng đàm phán kể từ tháng 6/2012, Việt Nam (VN) và Liên minh Châu Âu (EU) đang tiến gần đến việc ký kết 1 hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đánh dấu 1 bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế- thương mại với 1 trong những đối tác quan trọng nhất của VN. Cùng thời gian này, dự án EU - MUTRAP đã hỗ trợ Bộ Công thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư, tăng cường năng lực hoạch định, tham vấn chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết liên quan, đặc biệt là trong quan hệ với EU. |
Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA gồm có dệt may, giày, chế biến thực phẩm (trong đó có thuỷ sản). Tuy nhiên, mức độ mở rộng năng lực sản xuất của VN, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU về 1 số mặt hàng, sẽ quyết định mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không. Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể nhờ FTA. Bên cạnh đó, đầu tư và cải tiến công nghệ cũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt.
Tại hội thảo, chuyên gia Paul Baker cho biết, có vẻ như tác động về môi trường là không đáng kể. Theo đánh giá, FTA có tác động trung tính đến phát thải carbon quốc gia. Về cơ bản, với mức tăng trưởng kinh tế như hiện nay, dù có thực hiện FTA hay không thì mức phát thải carbon của Việt Nam cũng sẽ tăng.
Một số vấn đề thương mại hiện đang được đàm phán như mua sắm, hải quan, thuận lợi hoá thương mại cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng phúc lợi cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.
Theo ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia chính Dự án EU-MUTRAP cho hay, FTA giữa VN và EU sẽ là động lực đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh.
Ông Tuyển cho biết đây là Hiệp định theo tiêu chuẩn của WTO. Những lĩnh vực ta chưa cam kết trong WTO, bao gồm: đầu tư, mua sắm Chính phủ, DNNN và chính sách cạnh tranh, phát triển bền vững (bao gồm lao động và môi trường), năng lượng tái tạo... sẽ được điều chỉnh bởi Hiệp định này. Ngoài ra, Hiệp định còn có các yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa, hợp tác Hải quan, pháp lý và thể chế, các vấn đề về minh bạch hoá và các chế tài thực thi chặt chẽ hơn.
Ta cũng đặt ra yêu cầu EU công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường gắn với quá trình đàm phán, ông Tuyển nói.
Nga Dương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận