Từ truyền thuyết nàng Mê Kia…
Từ ngày đi vào hoạt động cách đây 3 năm, H'Mong Village trở thành địa chỉ quen thuộc với các du khách khám phá vùng cao nguyên đá Hà Giang. Đều đặn mỗi sáng, các đơn vị đối tác từ Hà Nội, Đà Nẵng, hoặc TP.HCM gửi khách lên H'Mong Village, thường theo chương trình 3 ngày/2 đêm, hoặc 4 ngày/3 đêm. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tự túc khám phá khu nghỉ dưỡng này bằng phương tiện cá nhân.
Là một trong những đối tác lớn của H'Mong Village, mỗi ngày Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) gửi từ 5 - 10 khách trở lên. Thi thoảng có những đoàn khách từ 20 - 50 người.
Cùng với Vietravel, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, hay HaHa Travel cũng là những đối tác "ruột" đưa khách lên H'Mong Village. Trung bình, mỗi ngày khu nghỉ dưỡng đón từ 20 - 40 khách, cao điểm có ngày đón khoảng 100 khách, giúp H'Mong Village đạt doanh thu 2 tỷ đồng/tháng.
Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch H'Mong Village Lại Quốc Tĩnh, khu nghỉ dưỡng được ông xây dựng khởi nguồn từ câu chuyện tình của nàng Mê Kia và thần Rồng.
Dân gian kể rằng, vùng cao nguyên đá Hà Giang thường bị hạn hán nên người Mông chỉ biết leo lên núi cầu trời cho mưa. Một ngày nọ, lời khẩn cầu của dân bản dường như thấu tận trời xanh khi Ngọc Hoàng ban cho khu vực Lùng Khúy một mạch nước nhỏ rồi cử thần Rồng xuống cai quản.
Trong hình hài một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thần Rồng đem lòng cảm mến rồi kết duyên với cô gái người H'Mông xinh đẹp nhất vùng là nàng Mê Kia. Tuy nhiên, khi biết tin, Ngọc Hoàng sai thiên binh, thiên tướng xuống bắt thần về trị tội.
Thần Rồng biết chuyện liền chạy về từ biệt nàng Mê Kia, không quên tạo ra một vòng cung rừng đá che chắn cho người mình yêu.
Sau khi thần Rồng về trời, nàng Mê Kia ngày đêm ngóng đợi mỏi mòn, cho đến một ngày gục đầu vào vách núi và qua đời nơi chính mạch nước trong veo chảy về phía rừng đá. Cũng từ đó, dân bản cho rằng con suối nhỏ đó chính là nước mắt nhớ chồng của nàng Mê Kia chảy quanh năm không bao giờ cạn.
Bắt nguồn từ câu chuyện của nàng Mê Kia, ông Tĩnh lựa chọn mạch nước, nơi cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50km, để xây dựng H'Mong Village.
"Ban đầu, chúng tôi và 3 doanh nghiệp khác được lãnh đạo tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng một sản phẩm tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Giang. Tuy nhiên, sau khi thị sát Lùng Khúy, 3 công ty kia đều bỏ cuộc vì họ cho rằng không thể làm nên trò trống gì ở khu vực cỏ mọc ngập đầu hoặc toàn đá", ông Tĩnh chia sẻ.
"Cắm sổ đỏ" vay ngân hàng để đầu tư
Ông Tĩnh quê ở Thái Bình lên Hà Giang làm công trình từ năm 2001. Phải lòng cô gái dân tộc Tày, ông quyết định ở lại lập nghiệp. Và từ câu chuyện tình của nàng Mê Kia, ông Tĩnh xây dựng H'Mong Village theo lối phục dựng bản sắc đời sống và văn hóa người Mông.
Công việc xây dựng bắt đầu từ năm 2019. Ông Tĩnh cùng một số cộng sự góp hàng chục tỷ đồng, thuê kiến trúc sư từ Hà Nội lên bay fly cam vẽ bản đồ và nhờ những chuyên gia uy tín tư vấn nhằm phục dựng rõ nét nhất phong tục, tập quán của người Mông.
Đến lúc hết tiền, ông nhờ gia đình hai bên nội ngoại cắm sổ đỏ vay ngân hàng để hoàn thành dự án. Không lâu sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến. Ông Tĩnh động viên các công nhân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ăn ngủ tại chân công trình.
Công việc xây dựng những ngôi nhà trên lưng chừng núi vô cùng khó khăn. Phần lớn vật liệu đều phải vận chuyển thủ công. Ba năm sau, với chi phí lên tới hơn 200 tỷ đồng, H'Mong Village bắt đầu đưa vào khai thác.
H'Mong Village có diện tích 21,7 hecta, chia làm hai khu bao gồm: 35 bungalow & khu nhà nghỉ cộng đồng với không gian rộng rãi. Khu nghỉ dưỡng cheo leo trên sườn núi được ôm trọn bởi rừng đá hình cánh cung, dưới chân là thung lũng Tráng Kìm và dòng sông Miện hiền hòa.
Các phòng ở H'Mong Village được chia thành nhiều hạng khác nhau. Phân khúc cao nhất có giá 6 triệu đồng/phòng/đêm, các hạng phòng tiếp theo dao động từ 1,5 - 4 triệu đồng/đêm. Du khách đi lẻ có thể lựa chọn phòng cộng đồng với mỗi giường có giá 500.000 đồng/đêm.
Theo bà Tạ Thị Tố Uyên, đại diện của Vietravel, H'Mong Village là điểm đến ưa thích với các du khách khi nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang. Tuy nhiên, dù có nhiều hạng phòng, nhưng giá cao cũng là một hạn chế của H'Mong Village trong việc thu hút phân khúc khách hàng bình dân.
Trong khi đó, anh Lê Hữu Hải, sau khi tự lái xe 7 giờ từ Hà Nội lên khu nghỉ dưỡng cho rằng quãng đường di chuyển khá xa cũng là thách thức không nhỏ với những người mong muốn khám phá vùng cao nguyên đá Hà Giang. Tuy nhiên, anh thích thú với những nét văn hóa tại H'Mong Village, từ kiến trúc, bài trí cho đến trải nghiệm thâm canh hốc đá của người dân địa phương.
Doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng
Theo ông Phạm Quang Dũng, Phó chủ tịch huyện Quản Bạ, H'Mong Village là sự kết hợp hài hòa giữa các vật liệu tự nhiên mang sắc thái riêng của vùng đất cao nguyên. Các công trình được xây dựng theo lối kiến trúc người Mông. Tường được trình thủ công bằng đất tự nhiên, sử dụng mái ngói âm dương; dãy Bungalow xếp theo hình váy xòe rẻ quạt của các thiếu nữ người Mông.
"H'Mong Village giống như một cuốn từ điển để du khách lần dở, khám phá những câu chuyện lịch sử của người dân trên vùng cao nguyên đá", ông Phạm Quang Dũng tự hào về một điểm nhấn du lịch của địa phương.
Bước vào H'Mong Village, du khách rất dễ nhận ra hàng cây sa mộc thẳng tắp, chạy dài theo các con đường nội khu. Theo ông chủ H'Mong Village, sa mộc được coi là biểu tượng cho tính cách giản dị, ngay thẳng của dân tộc vùng cao nguyên đá. Cùng đó, khoảng 5km tường đá cũng mang đậm dấu ấn của người Mông, khi các viên đá xếp khít với nhau mà không cần đến phụ gia kết dính.
Ngoài kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng, H'Mong Village cũng được chủ nhân bố trí các khu vực trưng bày khung dệt vải, trang phục thổ cẩm từ sợi lanh, hay vật dụng nổi tiếng như chiếc khèn Mông và những món ẩm thực nổi tiếng như mèn mén, tẩu chúa, thắng cố…
Tiết lộ với Báo Giao thông, ông Tĩnh cho biết, H'Mong Village lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/tháng nếu duy trì doanh thu 2 tỷ đồng/tháng như 2 năm gần đây. Tuy nhiên, từ vụ sạt lở tại Bắc Mê hồi tháng 7/2024 và sau đó là siêu bão Yagi hồi tháng 9, khách đến khu nghỉ dưỡng giảm so với trước đó.
Khu nghỉ dưỡng H'Mong thuộc khu Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, nằm trên quốc lộ 4C tuyến đường đi Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 50km về phía Đông Bắc.
H'Mong Village được xây dựng thành hai khu vực chính bao gồm: Bản Pob Cưs (1 nhà nghỉ cộng đồng và 15 căn bungalow Quẩy Tấu) và bản Đề Chia (20 căn bungalow Trình tường đất) với sức chứa lên đến hơn 120 khách. Bản Mông có đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, ẩm thực, giải trí và trải nghiệm văn hóa vùng cao với hệ thống bể bơi vô cực, sân bóng đá, sân tennis và Sky Bar ngoài trời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận