Thị trường

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu miền Tây “sống mòn” với chiết khấu 0 đồng

04/02/2023, 09:45

Hơn nửa năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu ở miền Tây phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng/tháng do mức chiết khấu rơi về mức 0 đồng.

Tiến thoái lưỡng nan

Đến thời điểm này, anh Lưu Triệu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Châu Thành, trụ sở ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vẫn đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, không biết có nên tiếp tục sự nghiệp kinh doanh xăng dầu mà gia đình để lại hay không.

img

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nên dù muốn hay không, DN phải bán hàng.

Anh Thanh cho biết, có 3 cửa hàng xăng dầu rải rác ở địa bàn TP Cần Thơ. Nhưng khoảng thời gian 2 năm qua thực sự khó khăn.

“Bắt đầu thời điểm giãn cách xã hội để phòng dịch, những công ty, đơn vị mua xăng dầu số lượng lớn nợ qua năm sau mới trả. Mình và họ cùng khó khăn, tôi cũng không thể làm gì hơn.

Sau đó, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ rớt thê thảm, thường ở mức 0 - 100 đồng/lít, họa hoằn lắm mới lên được 200 - 500 đồng/lít.

Trong khi đó, để hòa vốn, DN ít nhất phải được chiết khấu 1.000 đồng/lít vì chi phí rất tốn kém từ vận chuyển, nhân viên, mặt bằng... Gia đình kinh doanh xăng dầu hơn 30 năm, chưa thấy cảnh này bao giờ”, anh Thanh nói.

Chủ 3 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết thêm, việc nhập xăng dầu về kinh doanh có thời điểm khá trầy trật, có tuần đủ hàng để bán, có tuần thiếu một, hai ngày.

DN của anh có ký cam kết sản lượng với công ty đầu mối nhưng có lúc không đủ 100%, cơ cấu mặt hàng không đều.

“Sức tiêu thụ xăng A95 rất lớn, nhưng đôi khi tôi chỉ được cung cấp dầu hoặc xăng E5 cho đủ”, anh kể.

Hơn nửa năm qua, 3 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của anh Thanh, mỗi tháng phải bù lỗ gần 300 triệu đồng. Được gia đình động viên, anh gồng gánh vượt qua nhưng ngày càng đuối sức.

Cùng cảnh ngộ, bà Dương Kim Em, chủ 3 cửa hàng xăng dầu ở Cần Thơ cam kết sản lượng với đơn vị đầu mối gần 500 m3 xăng dầu mỗi tháng bày tỏ: “Trường hợp thiếu xăng bây giờ không xảy ra nữa, nhưng với mức chiết khấu quá thấp, tôi không biết lấy gì trang trải.

img

DN bán xăng dầu đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Chi phí vận hành một cây xăng không hề nhỏ. Có thời điểm tôi đã tính cho người khác thuê lại nhưng không ai ngó tới”.

Những kiến nghị khẩn thiết

Đầu tháng 2/2023, một nhóm DN bán lẻ xăng dầu khắp cả nước, ước tính với gần 9.000 cửa hàng đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Trung ương và các Bộ ngành về việc sửa đổi một số quy định, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích.

Nhóm DN này cho rằng đơn vị bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cắt chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận.

“DN bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, nội dung đơn thể hiện.

Nhóm DN này cũng phân tích sự bất hợp lý rằng ngay cả đơn vị phân phối cũng sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ, làm chuỗi cung ứng cho chính mình nên được hưởng quyền lợi về giá và lấy hàng được ở nhiều nơi.

“Khi giá tăng, DN bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng dẫn đến nhiều cửa hàng phải đóng cửa”, đơn trình bày.

Từ đó, nhóm DN này kiến nghị đối với xăng dầu nói chung cần phân chia cụ thể làm 3 khâu: nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh.

Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho DN bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục các hạn chế, đảm bảo “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Đồng thời nhóm DN này cũng kiến nghị được phép mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thay vì 1 như trước nay.

Đồng hành cùng DN, cuối tháng 1/2023, UBDN tỉnh Kiên Giang cũng có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công thương về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định kinh doanh xăng dầu.

img

Các DN bán xăng dầu phản ứng khi thương nhân phân phối và người bán lẻ nhận được nhiều lợi ích hơn.

UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận thời gian qua có xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu do nhiều nguyên nhân.

Nhưng cốt lõi là DN không thể duy trì việc kinh doanh do thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ của các DN lớn thì chưa đảm đương, phủ đều hết các địa bàn vùng sâu, xa, biên giới.

Từ nhiều nguyên nhân đã dẫn trên, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị cần xem xét bổ sung quy định chiết khấu định mức cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu vào Nghị định mới.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị xem xét quy định cho phép cửa hàng bán lẻ xăng dầu được mua xăng đầu từ nhiều để đảm bảo sự cạnh tranh và chủ động được nguồn cung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.