Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 tăng 15% so với 2019
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng (tăng 15% so với 2019). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỷ đồng (tăng 8%), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6%).
Một số doanh nghiệp có mức tăng ấn tượng trong năm 2020 như: PJICO ước đạt 4.082 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch năm; Bảo Minh đến hết tháng 11/2020 đạt doanh thu 4.613 tỷ đồng, bằng 100,44% kế hoạch năm; PVI sau 9 tháng năm 2020 doanh thu đã bằng 116% kế hoạch năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 572 tỷ đồng; BIC doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ đạt 2.007 tỷ đồng (tăng 15), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 326 tỷ đồng (tăng 35%) và hoàn thành 135% kế hoạch năm…
Chi trả quyền lợi bảo hiểm các doanh nghiệp năm 2020 cũng tăng 11,4% lên 48.223 tỷ đồng (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 23.108 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 25.115 tỷ đồng).
Doanh thu tăng, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng mạnh 22% lên 460.457 tỷ đồng (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 51.308 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 409.149 tỷ đồng).
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm toàn thị trường vẫn duy trì ở mức tăng cao, ước đạt 355.240 tỷ đồng (tăng 22%).
Năm 2020, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng mạnh tới 20% lên 552.403 tỷ đồng (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 95.949 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng chung 18% lên 113.523 tỷ đồng, riêng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng tới 25,2% lên 82.488 tỷ đồng.
Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ 2019), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.019 tỷ đồng (tăng 17,6%), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.660 tỷ đồng (tăng 16,5%).
Được biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận