Lợi nhuận âm, giá cổ phiếu vẫn tím lịm
Theo giải trình biến động kết quả kinh doanh trên Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của năm 2021 của Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group; HNX: CEO), doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 của doanh nghiệp này là 123,7 tỷ, giảm 140,2 tỷ (53%); giá vốn hàng hoá là 110 tỷ, giảm 37,5 tỷ (25%); đặc biệt lợi nhuận thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 58,8 tỷ (-906%) so với cùng kỳ năm trước.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (17/11), giá trần ở mức 26,2 nghìn/CP.
Kết quả, CEO báo lỗ ròng hơn 34 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 16 tỷ đồng). Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của đơn vị.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, CEO ghi nhận doanh thu thuần giảm 40% so cùng kỳ, xuống còn 406 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 224 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng). Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm hơn 144 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với trước. Tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương,… các DN đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán. Các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước...
Ngược lại với tình trạng bết bát trong kinh doanh bất động sản, cổ phiếu của CEO lại tăng tím lịm. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (17/11), CEO tăng trần ở mức 26,2 nghìn đồng/CP. So với đầu năm (4/1), mã này đã tăng 13 nghìn/CP (97%), từ 13,50 nghìn/CP.
Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (Mã CK: SJS) cho thấy, đơn vị này có tổng tài sản là 7.000 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn cuối kỳ là 4.309 tỷ đồng, giảm 227 tỷ đồng tương ứng 5% (đầu năm là 4.536 tỷ). Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng 85% trong tổng tài sản ngắn hạn, tập trung tại các dự án: Dự án mở rộng khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Hoà Bình; Khu đô thị Nam An Khánh bỏ hoang nhiều năm.
Tài sản dài hạn tập trung (81%) trong các dự án Văn La - Văn Khê Hà Đông đang bỏ hoang chờ điều chỉnh quy hoạch; Dự án Khu đô thị khu đô thị Tiến Xuân Sudico, xã Tiến Xuân, Thạch Thất đang bị Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi, chưa biết bao giờ mới được hoàn thành.
Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán, mã này vẫn tăng mạnh. Kết thúc phiên ngày 17/11, SJS lên 72,5 nghìn đồng/CP, tăng 44 nghìn đồng/CP so với giá 28,5 nghìn đồng/CP (154%) ngày đầu năm (4/1).
Trên đây chỉ là 2 trong số DN bất động sản "khoác áo" xanh, tím trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường nhà đất không mấy sáng sủa trong thời gian qua.
Cẩn trọng vỡ "bong bóng" khi mua giá ảo
Trao đổi với PV Báo Giao thông về nghịch lý trên, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển xác nhận, hiện nay có những mã cổ phiếu giá từ hơn 10 nghìn đồng/CP tự nhiên tăng lên 70 - 80 nghìn đồng/CP, gấp 7 - 8 lần giá trị thực.
Lý giải tình trạng trên, ông Hiển cho rằng, các nhà đầu tư đang xuống tiền theo xu hướng "đám đông" và tư duy tăng giá trị, cứ thấy lãi là mua. Nay mua vào ngày mai có lãi lại bán ra mà không tuân theo quy tắc hoặc nguyên tắc nào. Nhưng khi chứng khoản trở về giá trị thực những nhà đầu tư này sẽ gặp rủi ro.
"Nhà đầu tư không chuyên nghiệp, dựa trên nguồn vốn lao động để kiếm lợi nhuận thì không nên nhảy vào thị trường nóng. Thị trường ở thời điểm này giống như một ván bài, có thể "lật úp" bất cứ lúc nào", ông Hiển khuyến cáo.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng xác nhân, trong thị trường có hoạt động kỹ thuật đầu tư đẩy giá; hiện Việt Nam đã có chế tài nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, mức xử phạt nhẹ dẫn đến nhờn luật.
"Ở những nước phát triển như Mỹ, sau mỗi lần tăng, giảm giá bất thường thì luôn có cơ quan giám sát về chống gian lận, họ sẽ tìm hiểu xem ai là người mua, bán nhiều nhất trong thời gian ngắn. Nếu phát hiện sử dụng thông tin nội gián thì họ sẽ truy tố", ông Hiển chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS.Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc quản lý quan hệ cung cầu bất động sản là nguyên nhân chính kích giá chứng khoán bất động sản tăng. "Người dân vẫn tin rằng, giá bất động sản sẽ còn tiếp tục phát triển nữa, đặc biệt là thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trước đây có thời gian phân khúc này tăng giá mạnh, do ảnh hưởng của dịch chững lại, khi mở cửa kinh tế sẽ tăng trưởng rất cao. Niềm tin đó đã dẫn tới tình trạng "mua tranh, bán cướp", cổ phiếu bất động sản cứ thế tăng giá, vượt ra khỏi giá trị thật", ông Thịnh phân tích.
Khẳng định trong bối cảnh hiện nay, giá mua bán cổ phiếu ngành bất động sản đang ảo, ông Thịnh cho hay: "Sau thời gian vận hành, việc sản xuất kinh doanh không như mong muốn sẽ dẫn đến tháo chạy, sụt giảm ghê gớm, xảy ra khủng hoảng thị trường chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng, không bỏ trứng vào một giỏ, gây sự khan hiếm về cung dẫn đến tự mình thổi giá hại mình. Phía cơ quan quản lý nhà nước thì cần quản lý dòng tiền vào chứng khoán hợp lý, các hiện tượng làm giá, thổi giá cổ phiếu", ông Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận