Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp BĐS, khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của Covid – 19.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đại dịch Covid – 19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS, làm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP HCM gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19
Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Quan trọng hơn cả là đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Bởi doanh nghiệp “sống” được thì các ngân hàng mới “sống khỏe” được.
Các ngân hàng thương mại cũng xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục thuế, trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid – 19, góp phần kéo giảm giá nhà. Kiến nghị chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế.
Ông Lê Hoàng Châu một lần nữa nhắc đến những “ách tắc” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
“Ách tắc” này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả nhà nước. Nguyên nhân là do “xung đột” giữa Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP, chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 2 trường hợp là nhà đầu tư có đất 100% đất ở, hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở.
Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý “ách tắc” này để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận