Bất động sản

Doanh nghiệp BĐS đối diện khó khăn gì khi chuyển đổi số?

17/06/2022, 12:10

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Đánh giá trên được các chuyên gia nhấn mạnh trong Hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số" do Hội Môi giới BĐS Việt Nam phối hợp Báo Công thương tổ chức Đà Nẵng sáng nay (17/6).

img

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, chuyển đổi số trong BĐS là xu thế tất yếu nhưng còn nhiều thách thức

Hội thảo nhằm góp phần giúp doanh nghiệp BĐS có thông tin toàn cảnh về "bức tranh" chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong BĐS; gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp BĐS chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.

Thống kê các đơn vị chức năng cho thấy năm 2021, kinh tế số mới chiếm khoảng 11-12% GDP. Mục tiêu về kinh tế số Việt Nam là 20% GDP vào năm 2025, tức là phải tăng trưởng 20-25%/năm.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp, thị trường BĐS có đóng góp rất lớn vào GĐP và nền kinh tế. Có 4 ngành lớn liên quan nhiều đến thị trường BĐS là xây dựng, du lịch, lưu trú, tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, thị trường BĐS còn là kênh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Lực cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích như: Tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, tạo dòng doanh thu mới; Giảm chi phí, cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; Tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; Cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cải thiện tốc độ KD, giảm rủi ro, cải thiện việc đưa ra quyết định.

“Chuyển đổi số tại doanh nghiệp BĐS Việt Nam, đã có sự hiện diện trực tuyến khá nhanh. Một số dịch vụ dựa trên công nghệ mới đã được sử dụng như: Cen Land cung cấp hình ảnh và video 3D; Tập đoàn Thắng Lợi ứng dụng True 360, công nghệ VR - thực tế ảo và Auto Timelapse - quản lý tiến độ thi công dự án; Vingroup, Đất Xanh, TNR, Meey Land, Sun Group, Funi Bamboo, Capital House, Nova...đang triển khai”, Tiến sĩ Lực cho hay.

Ngoài ra, Hệ sinh thái proptech đang phát triển khá nhanh. Năm 2021, proptech Việt Nam nhận được 40 triệu USD đầu tư (cao nhất trong 5 năm).

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhận định, chuyển đổi số BĐS Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều thách thức như: Nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen; Khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật, thiếu đồng bộ và cởi mở; Thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; Đặc thù của ngành (giá trị giao dịch lớn, hành trình khách hàng lâu...); Niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; Kết nối giữa chủ đầu tư, proptechs (realtechs), trung gian tài chính... còn yếu.

Theo luật sư Lê Đình Dũng, chuyển đổi số trong ngành BĐS chia làm 3 nhóm chính. Đó là chuyển đổi số hỗ trợ cho việc quản trị doanh nghiệp BĐS; chuyển đổi số hỗ trợ cho hoạt động mua bán, môi giới BĐS và chuyển đổi số trong kinh doanh, đầu tư BĐS.

"Có thể khẳng định chuyển đổi số đã làm thay đổi cách giao dịch bất động sản rất nhiều. Chắc chắn sẽ có nhiều ứng dụng tiếp tục được phát triển, hoàn thiện để tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, cắt giảm chi phí. Nó cũng giúp minh bạch thị trường bất động sản, giúp nhà đầu tư nhận định chính xác hơn khi ra quyết định. Các doanh nghiệp chậm đổi mới, kém hiệu quả sẽ dần bị đào thải, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Đặc biệt, môi trường làm việc dần thay đổi từ phương pháp làm việc trực tiếp sang làm việc online nên cần có sự thay đổi lớn trong các ứng dụng phần mềm cho công việc của nhà môi giới", luật sư Lê Đình Dũng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.