Thị trường

Doanh nghiệp bỏ thầu gạo dự trữ quốc gia: "Vì lợi ích cứ phải là số 1"

08/01/2021, 18:02

Đó là ý kiến của doanh nghiệp về lý do bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.

img

Nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia trong đợt mở thầu hồi tháng 3/2020 nhưng sau đó bỏ thầu mang gạo đi xuất khẩu

Trúng rồi bỏ thầu: Thiếu trách nhiệm với xã hội

Liên quan tới câu chuyện nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia trong đợt mở thầu hồi tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng ngay sau đó lại bỏ thầu, mang gạo đi xuất khẩu, thông tin tại Họp báo chuyên đề chiều 8/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính Phạm Vũ Anh cho biết:

Thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát, giá gạo bị đẩy lên cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trúng thầu rồi nhưng lại bỏ thầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước. “Sau đó khi nói chuyện thì họ bảo chúng em là doanh nghiệp nên cứ phải lợi ích là số 1. Nên họ trúng thầu rồi vẫn sẵn sàng bỏ ký hợp đồng và sẵn sàng bỏ tiền dự thầu vào Kho bạc”, ông Vũ Anh nói.

Ông Vũ Anh cũng đặt vấn đề trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp - là cán bộ nhà nước nói trên như thế nào?

“Khi vụ việc xong rồi thì nay lại nói với Thủ tướng là bây giờ giao cho chúng em, chúng em lại làm. Việc dân sự quốc gia phải có quy định của pháp luật, có quy trình, có mở thầu, phê duyệt, thanh lý... Còn anh nói thế dễ quá, cứ như việc cá nhân. Tôi không tiện nêu tên doanh nghiệp này nhưng chúng tôi đánh giá là chưa thật có trách nhiệm với xã hội đâu”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước nói.

Từ 2021 sẽ chấm điểm nhà thầu

Điều đáng nói, ngay sau khi bỏ thầu đợt 1 và mang gạo đi xuất khẩu, đến 12/5/2020, Cục Dự trữ khu vực Nam Tây Nguyên thông báo kết quả đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia đợt 2 thì có 3 doanh nghiệp trúng thầu nằm trong nhóm bỏ thầu trước đó là: Công ty TNHH Phát Tài, Công ty Mỹ Tường và Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh.

Tổng cục Dự trữ nhà nước khi đó đã đề xuất sửa Luật Đấu thầu theo hướng sẽ cấm các nhà thầu không được tham gia đấu thầu lần sau nếu thắng thầu rồi mà lại "xù" hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ. Nhưng doanh nghiệp vẫn bình thản bởi theo họ nếu bỏ thầu chỉ bị mất cọc, còn nếu tiến thêm bước ký hợp đồng rồi mà bỏ mới bị truất quyền tham gia đấu thầu đợt sau.

Do đó, ông Vũ Anh cho biết, từ 2021 sẽ thực hiện việc phân nhóm dựa theo uy tín của các nhà thầu tham dự. Theo đó, tạm chia các nhóm: Nhóm các nhà thầu thực hiện đầy đủ các quy định cam kết sẽ được điểm tối đa; Nhóm trúng thầu rồi nhưng đến lúc thương thảo lại không ký hợp đồng; Nhóm trúng thầu, ký hợp đồng rồi nhưng khi không thực hiện đúng theo hợp đồng như chậm trễ, kéo dài, chất lượng giao hàng không đảm bảo… và Nhóm ký hợp đồng rồi không thực hiện hoặc thực hiện dở dang.

“Việc chấm điểm sẽ thực hiện trong đợt đấu thầu từ năm 2021 sắp tới”, ông Vũ Anh nói.

Còn đối với câu chuyện sửa luật, trong đó có kiến nghị nâng tỷ lệ phạt đối với những trường hợp đã trúng thầu nhưng không thực hiện, ông Vũ Anh cho biết, những kiến nghị này đã được Tổng cục Dự trữ gửi đến Bộ KH&ĐT và được Bộ ghi nhận sẽ đưa vào trong việc sửa Luật sắp tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.