Hạ tầng

Đề xuất cơ cấu lại nợ vay "cứu" nhà đầu tư BOT ảnh hưởng bởi Covid-19

28/08/2021, 15:00

Nhiều dự án BOT giao thông đang gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản do doanh thu sụt giảm trầm trọng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng chục doanh nghiệp BOT giao thông đang phải đối mặt khó khăn trong việc duy trì hoạt động khi dự án không có nguồn thu do trạm tạm dừng thu phí, ngay cả trạm không nằm trong diện đóng cửa nhưng doanh thu cũng gần như bằng không.

Doanh thu 0 đồng, doanh nghiệp dự án lay lắt duy trì bộ máy

Nằm trên địa phận TP.Hà Nội, trạm thu phí BOT cầu Văn Lang (cầu Ba Vì - Việt Trì) đã tạm dừng thu phí kể từ ngày 24/7/2021 sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ VN để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

img

Trạm thu phí cầu Văn Lang đã tạm dừng thu phí từ ngày 24/7/2021

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà (doanh nghiệp dự án) cho biết, hơn một tháng qua doanh nghiệp dự án không có doanh thu do tạm dừng thu phí, đời sống của cán bộ, công nhân rất khó khăn. Doanh nghiệp dự án đang phải xoay xở mọi cách để trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc dự án tạm dừng thu phí để phòng chống dịch Covid-19 là cấp thiết bởi có tổ chức thu cũng chẳng có xe qua trạm khi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

“Khi trạm thu phí hoạt động trở lại sau khi TP.Hà Nội kết thúc giãn cách, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xem xét giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng cho dự án BOT cầu Văn Lang trong việc hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với công tác giải phóng mặt dự án hoặc dùng ngân sách mua lại dự án này”, ông Nghĩa đề xuất.

“Chúng tôi đang phải đi vay nhà đầu tư để chi trả chi phí tiền lương, hoạt động của công ty bình quân mỗi tháng 300 triệu đồng. Ngay bản thân tôi làm Giám đốc nhưng lương cũng chỉ có 3 triệu đồng/tháng, nhiều anh em trong công ty đã phải làm thêm nhiều công việc để có thêm nguồn thu nhập nuôi gia đình”, ông Nghĩa tâm sự.

Cũng theo ông Nghĩa, trước khi tạm dừng thu phí, bình quân mỗi tháng dự án cũng chỉ thu được khoảng 2,7 - 2,8 tỷ đồng, bằng 35-40% phương án tài chính do lưu lượng quá thấp so với dự kiến ban đầu. “Nhà đầu tư đang lỗ nặng tại dự án này, doanh thu hàng tháng không đủ trả lãi ngân hàng”, ông Nghĩa nói.

Là nhà đầu tư quản lý 3 dự án BOT tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Nam cho hay, ngay từ những tháng đầu năm 2020 các dự án của công ty đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí giảm sâu so với các năm trước.

Trong đợt giãn cách lần thứ 4 này, hai dự án tại Sóc Trăng và Bạc Liêu đã dừng thu phí. Trạm Bình Thuận đang thu phí nhưng doanh thu tại trạm này cũng giảm đến 80%. Dự án dừng thu không có doanh thu và sụt giảm ở các trạm đang thu nhưng mọi chi phí không có gì thay đổi, nhà đầu tư vẫn phải trả lãi ngân hàng, đảm bảo lương cho người lao động, duy trì bộ máy. Thậm chí, chi phí còn tăng do doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản chống dịch.

Tuy nhiên, điều nhà đầu tư lo ngại nhất là phương án tài chính của dự án đã bị vỡ, nhà đầu tư luôn trong tình trạng bị ngân hàng đưa vào diện nợ xấu. Mỗi ngày doanh thu dự án QL1 qua Bình Thuận đạt khoảng 650 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ để trả lãi ngân hàng.

“Ngân hàng vẫn thu tiền trong khi doanh nghiệp dừng thu không có dòng tiền chi trả. Trong điều kiện bình thường doanh thu không đủ trả lãi ngân hàng theo phương án tài chính, giờ dừng thu nữa doanh nghiệp không biết xoay sở ra sao. Hiện nhà đầu tư còn nợ ngân hàng khoảng 1.700 tỷ đồng, trong khoảng thời gian còn lại của dự án, nếu với phương án tài chính như hiện nay, nhà đầu tư không thể trả hết khoản nợ ngân hàng”, ông Phương nói.

“Nhà nước cần có chính sách cơ cấu lại nguồn vốn vay ngân hàng để tháo gỡ khó khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó cần cơ cấu cả trả gốc và lãi. Bên cạnh đó, cần có phương án tính toán cụ thể phương án tài chính đối với các dự án đang tạm dừng thu”, ông Phương nói.

Dự án thu phí đạt 2% phương án tài chính

Dù không nằm trong khu vực địa phương thực hiện giãn cách xã hội và vẫn tổ chức thu phí bình thường nhưng doanh thu dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt 2% so với phương án tài chính khiến doanh nghiệp dự án đứng trước nguy cơ vỡ trận.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, theo hợp đồng và phương án tài chính, dự án sẽ tiến hành thu phí hoàn vốn tại 2 trạm (1 trạm trên QL3 cũ và 1 trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới). Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, dự án mới chỉ được thu phí 1 trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

“Lúc chưa bùng phát dịch Covid-19, doanh thu dự án chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ngày, bằng 10% so với phương án tài chính. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng xe giảm sút mạnh, doanh thu bình quân mỗi ngày chỉ còn khoảng 20 triệu đồng, bằng 2% so với phương án tài chính. Đời sống của cán bộ, nhân viên công ty đã khó khăn nay dịch giã càng khó khăn gấp bội”, ông Thanh nói và cho biết, doanh nghiệp dự án đang phải vay tiền nhà đầu tư (Tập đoàn CIENCO4) để chi trả lương, duy trì bộ máy hoạt động.

“Bây giờ doanh thu dự án gần như bằng không, trong khi lãi phải trả ngân hàng mỗi tháng 16 tỷ đồng, nếu cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, dự án này sẽ vỡ trận. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép thu phí đối với trạm trên QL3 cũ theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc Nhà nước mua lại toàn bộ dự án này”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết thêm, công tác vận hành thu phí tại trạm hiện doanh nghiệp đã bàn giao cho đơn vị thu phí không dừng. Còn lại, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ duy trì lực lượng cán bộ, nhân viên bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường.

img

Dù không phải dừng thu phí nhưng mỗi ngày doanh thu của trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt 20 triệu đồng, bằng 2% so với phương án tài chính của dự án

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay, hiện nay có hơn 20 trạm đơn vị quản lý vận hành và kết nối đang tạm dừng thu phí. Hầu hết các trạm dừng thu phí theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đều ở các thành phố có lưu lượng xe lớn như Hà Nội, TP.HCM nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu. Thời gian dừng thu đã gần 2 tháng khiến doanh thu sụt giảm khoảng 60%.

Theo ông Vinh, trạm dừng thu phí trong khi tất cả các chi phí về lãi vay ngân hàng, trả lương người lao động và nhiều khoản chi khác vẫn phải duy trì. Chưa nói đến hoàn vốn cho dự án, để trả lương cho người lao động đang là vấn đề lớn đối với công ty. Nguồn thu sụt giảm buộc công ty phải “thắt lương buộc bụng”, cắt giảm lương của khoảng 700 cán cán bộ công nhân viên, người lao động giảm từ 10 - 30%, cán bộ lãnh đạo giảm đến 50%.

“Dù dừng thu phí nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì, lãi ngân hàng vẫn phải trả. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay”, ông Vinh kiến nghị.

Đề xuất cơ cấu lại nợ vay, giãn nộp thuế cho nhà đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, từ tháng 7/2021, Tổng cục đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) tạm dừng thu phí các trạm trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến nay, trên cả nước có 26 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, 3 dự án đường cao tốc do Ủy ban quản lý vốn nhà nước quản lý và 23 trạm thu phí do UBND tỉnh, thành phố quản lý đang tạm dừng thu phí”, ông Thắng cho biết.

Liên quan đến doanh thu của các dự án BOT trong thời gian tạm dừng thu phí, ông Thắng cho biết, doanh thu sẽ được cập nhật vào phương án tài chính của các dự án.

“Chẳng hạn, trong hợp đồng dự kiến thu được 10 tỷ đồng mỗi năm nhưng thực tế có thể thu thấp hơn hay thu cao hơn số này nên kéo dài thời gian hoặc giảm thời gian thu phí của mỗi dự án sẽ phụ thuộc vào doanh thu của dự án”, ông Thắng nói và cho biết, dự án nào doanh thu giảm do tạm dừng thu sẽ được tính toán vào phương án tài chính và sẽ được cộng thêm thời gian thu phí.

Ông Trần Chủng, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng tầng gia thông bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

VARSI kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng cho các doanh nghiệp giao thông; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng,… đối với các nhà đầu tư hạ tầng giao thông.

Theo ông Chủng, hiện nay, các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí,... đang miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương: Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do lưu lượng giảm đáng kể.

“Đối với các trạm thu phí ở các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị số 16, việc dừng thu phí dẫn đến doanh thu các trạm thu phí bằng 0 theo yêu cầu chống dịch của địa phương và Tổng cục Đường bộ VN. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư vẫn phải duy trì, bố trí bộ máy nhân sự và kinh phí để vận hành, đảm bảo an toàn giao thông và trả nợ lãi ngân hàng theo phương án tài chính, việc này dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ xấu và có nguy cơ phá sản”, ông Chủng cho biết.

Trên cơ sở đó, VARSI kiến nghị Chính phủ giao Bộ xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT; hợp đồng vay tín dụng của các nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền và với các tổ chức tín dụng ngân hàng đã ký trước đây với doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“VARSI kiến nghị điều chỉnh thời gian thu Bảo hiểm xã hội. Cho phép các doanh nghiệp được chậm thu và chậm nộp các khoản phí BHXH của 6 tháng cuối năm, đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động đối với những trạm thu phí phải tạm dừng thu phí, những dự án ngừng thi công”, TS Trần Chủng đề xuất.

Nhà đầu tư hỗ trợ tối đa công tác phòng chống dịch Covid-19

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, dừng thu phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính và kế hoạch trả nợ ngân hàng nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tạm dừng thu phí là cấp thiết.

“Chúng tôi đã thực hiện ngay việc tạm dừng thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN bắt đầu từ 6h ngày 24/7/2021 để chung tay cùng chính quyền và người dân TP.Hà Nội phòng chống dịch Covid-19”, ông Khôi chia sẻ và cho biết, ngay khi hoạt động thu phí tạm dừng, Công ty đã nhường lại toàn bộ cơ sở vật chất trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất về nơi ăn, chôn ở cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch của Thủ đô.

“Hơn một tháng qua, trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giống như một “pháo đài” phòng chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ phía Nam TP.Hà Nội”, ông Khôi chia sẻ và cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở để đảm bảo thu nhập, đời sống cho hơn 360 cán bộ, nhân viên của công ty trong thời điểm dự án phải tạm dừng thu phí.

Thông tin thêm về thời gian thu phí trở lại, ông Khôi nói: “Chúng tôi đã đề xuất và được Tổng cục Đường bộ VN chấp thuận, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ thu phí trở lại sau 24 giờ khi TP.Hà Nội có lệnh dừng thực hiện giãn cách xã hội”.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.