Hệ thống cảng thủy nội địa được xem là mắt xích quan trọng trong việc thu hút hàng hóa, kết nối vận tải giữa vận tải thủy và các phương thức vận tải khác. Tuy nhiên, việc các thủ tục liên quan đến việc đầu tư, quy hoạch còn rối rắm khiến các doanh nghiệp cảng thủy đang gặp khó.
Mất nhiều thời gian chờ đợi
Năm trước, Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ đưa vào khai thác cảng container thủy hiện đại trên sông Đuống, là một trong số 5 cảng thủy container hiện có.
Tuy đánh giá vận chuyển container bằng đường thủy ở phía Bắc có tiềm năng lớn, song theo doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân cảng thủy chưa thu hút được nhiều hàng hóa chuyển từ đường bộ xuống đường thủy do các khu sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu phân tán, đơn vị vận chuyển phải lập nhiều đầu mối để gom hàng.
“Ở phía Bắc, các khu sản xuất hàng hóa phân tán ở các địa phương như: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… Để kinh doanh hiệu quả, cảng thủy container phải “chạy” theo khách hàng.
Tuy nhiên, để đầu tư cảng mới thường mất nhiều thời gian, thủ tục, nhất là trường hợp vị trí xây dựng cảng chưa có trong quy hoạch quốc gia về hệ thống cảng thủy”, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ cho biết.
Cũng theo ông Nam, Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ đang đầu tư một cảng thủy container ở Hà Nội. Đến nay các thủ tục liên quan đến thẩm quyền địa phương đã xong.
Tuy vậy, còn chờ thủ tục quan trọng là được điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch cảng thủy quốc gia, thẩm quyền ban hành thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc cập nhật quy hoạch không thể riêng lẻ, mà duyệt quy hoạch toàn quốc nên sẽ mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, bà Trương Thị Thúy Nga, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Khuyến Lương (sông Hồng, Hà Nội) chia sẻ, việc khơi thông vùng nước và nâng cấp cảng Khuyến Lương khá chậm trễ.
Gần 2 năm nay, doanh nghiệp chưa thể xong thủ tục nạo vét khơi sâu vùng nước trước cảng, bến, cũng như không biết có được mở rộng cảng, bến thủy trên không.
“Có thể chỉ khoảng 1 tháng nữa, cảng Khuyến Lương sẽ bị “tê liệt” do vào mùa cạn, độ sâu không đảm bảo cho phương tiện thủy hoạt động. Đầu năm 2019, đơn vị có văn bản đề xuất được nạo vét vùng nước trước cầu cảng.
Song bất cập là ban đầu cơ quan chức năng của Hà Nội thông báo không bố trí được bãi đổ thải, sau khi có nơi đổ thải thì đến nay vẫn chưa được chấp thuận cho nạo vét”, theo bà Nga.
Về đề xuất nâng cấp, mở rộng bến, theo đại diện doanh nghiệp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương hỏi ý kiến Cục Đường thủy nội địa VN và được Cục đồng thuận. Tuy nhiên, hiện Cục mới đề nghị phê duyệt quy hoạch bổ sung hệ thống cảng thủy nên vẫn phải chờ đợi.
Cần quản lý quy hoạch linh hoạt
Tìm hiểu của PV, hiện tình trạng các trường hợp cảng thủy (đang hoạt động) gặp vướng mắc, khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được công bố là cảng, bến thủy do chờ được bổ sung quy hoạch khá phổ biến.
Quy hoạch hệ thống cảng thủy quốc gia thuộc thẩm quyền Thủ tướng, vì vậy, UBND cấp tỉnh sẽ không dám “xé rào” để cập nhật điều chỉnh quy hoạch.
Để thuận lợi cho việc đầu tư phát triển cảng thủy, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, kiến nghị phân quyền cho Bộ GTVT cập nhật điều chỉnh quy hoạch cảng thủy trên tuyến quốc gia.
Ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ
Chủ một doanh nghiệp bến thủy ở Ninh Bình kể, mặt bằng của công ty đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003.
Năm 2019, tỉnh đồng ý cho lập dự án xây dựng bến hàng hóa và cơ sở sửa chữa phương tiện thủy nhưng chưa biết khi nào xong vì còn chờ bổ sung vào quy hoạch.
Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phải do HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, mà HĐND mỗi năm chỉ họp 2 lần.
Chủ cảng thủy Q.T ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng cho biết, dù cảng đã hoạt động nhiều năm nay và đã nhiều lần làm hồ sơ, thủ tục nhưng chưa biết bao giờ mới xong vì vướng thủ tục về đất đai.
“Khi các đoàn kiểm tra đến, cảng chấp nhận nộp phạt vì không thể hoàn thành nổi thủ tục để có giấy phép hoạt động”, chủ cảng nói.
Theo các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh cảng thủy được khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng (xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước; bố trí quỹ đất, hỗ trợ lãi suất vay vốn…).
Song thực tế sau 5 năm triển khai, hầu hết địa phương chưa quan tâm dành quỹ đất ưu tiên để làm cảng và kho bãi; việc hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy hoạch cũng khó khăn do vướng quy hoạch, thủ tục đất đai.
Vì thế, theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logistics VN, các địa phương cần quan tâm hơn đến phát triển cảng thủy. Việc quản lý cảng thủy theo quy hoạch cũng cần linh hoạt, thông thoáng hơn, cần dựa trên nhu cầu thị trường và ứng dụng chuyển đổi số để đảm bảo phát triển hệ thống cảng hiệu quả.
Ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện Cục đang tích cực phối hợp với Sở GTVT các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để xây dựng, trình quy hoạch điều chỉnh bổ sung hệ thống cảng thủy quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận