Nhiều tàu hút cát trái phép tại khu vực dự án xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp dù chủ đầu tư dự án đã dừng thi công từ tháng 8/2016 (ảnh chụp ngày 21/7/2017) |
Món lợi quá khủng
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hầu hết dự án công trình giao thông ở TP.HCM và khu vực phía Nam gần đây phải thi công cầm chừng do giá cát leo thang. Một nhà thầu thi công dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết, giá cát đưa về tại công trường hiện lên tới hơn 220.000 đồng/m3, trong khi khoảng 1 năm trước chỉ 80.000 đồng/m3. Giá cát quá cao thực sự là món lợi “khủng”, khiến “cát tặc” bất chấp để lộng hành.
Đại diện một doanh nghiệp có dự án xã hội hóa nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm thực hiện ở sông Đồng Tranh (TP HCM) cho biết, để có được một giấy phép thực hiện dự án rất vất vả. Từ việc xin giấy phép thực hiện, giấy phép đăng ký tận thu sản phẩm, đánh giá tác động môi trường phải mất vài năm và tốn nhiều chi phí. Khi triển khai dự án lại chịu sự giám sát rất chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Theo Luật Khoáng sản, doanh nghiệp phải hoàn tất các hồ sơ như: Đơn đề nghị cấp phép, bản đồ khu vực khai thác cát, quyết định phê duyệt trữ lượng cát, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, bản sao giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Thế nhưng, khi doanh nghiệp triển khai dự án nạo vét luồng hoặc khai thác cát theo giấy phép đã được cấp thì “cát tặc” ngay lập tức nhảy vào khai thác ở khu vực gần đó, thậm chí còn khai thác sát bờ gây sạt lở đất, nhà dân. “Khi người dân có khiếu nại, khiếu kiện, cơ quan chức năng lập tức cho dừng dự án để kiểm tra. Mặc dù chưa phát hiện sai phạm, nhưng cơ quan chức năng vẫn không cho dự án tiếp tục khiến doanh nghiệp chân chính lao đao. Trong khi đó, “cát tặc” vẫn vô tư tung hoành, lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho biết, với giá cát 220.000 đồng/m3, chỉ cần một sà lan 500m3 hút cát lậu, “cát tặc” có thể thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng, mỗi tháng kiếm hàng tỷ đồng mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào thực hiện dự án.
“Cát tặc” lộng hành, doanh nghiệp vạ lây
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác cảng, cho biết đơn vị này được Bộ GTVT cấp phép thực hiện “Dự án xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách” từ năm 2015. Đến tháng 8/2016, Bộ GTVT đã chỉ đạo tạm dừng dự án để rà soát lại các thủ tục. Công ty đã không đăng ký cho các phương tiện hút cát thi công tại khu vực dự án. Cảng vụ Hàng hải TP.HCM luôn kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc chấp hành này của công ty.
Thế nhưng từ tháng 8/2016 đến nay, trong khu vực dự án và xung quanh đó luôn có các tàu cát của nhiều đối tượng tổ chức hút cát ngày đêm. Đưa cho chúng tôi xem hình ảnh những chiếc tàu hút cát được chụp vào ngày 21/7, ông Trường khẳng định, đây không phải là tàu của công ty thực hiện dự án mà của “cát tặc”. Khi dự án được triển khai vào năm 2015 lúc nào cũng có cả chục tàu “cát tặc” hút cát gần quần thảo liên tục ngày đêm. Những tàu của “cát tặc” thường tổ chức hút cát rất sâu, làm hư hỏng đáy cá của ngư dân. “Người dân thấy tàu hút cát vô tội vạ, lại gần ngay dự án nên tưởng là tàu của công ty chúng tôi vậy là làm đơn kêu cứu, khiếu nại khiến cơ quan chức năng phải dừng dự án làm chúng tôi bị vạ lây”, ông Trường nói và cho biết, không riêng gì doanh nghiệp mình mà nhiều doanh nghiệp khác trên các sông Đồng Nai, Thị Vải, Gò Gia, Đồng Tranh... thực hiện theo chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải cũng bị vạ lây vì “cát tặc” nên rất khó khăn.
“Chúng tôi là những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có đăng ký, được cấp phép, có đóng thuế, phí cho Nhà nước thì không ai dại gì làm bậy. Nếu chúng tôi có sai phạm gì thì cơ quan chức năng cứ kiểm tra và xử lý nghiêm, nếu không có sai phạm thì cần sớm cho dự án tiếp tục triển khai. Chúng tôi đã đầu tư máy móc thiết bị, nhân công để thực hiện dự án, nếu tiếp tục dừng không rõ lý do thế này, chúng tôi rất khó khăn”, ông Trường nói.
Cần sớm khởi động lại các dự án xã hội hóa
Theo thống kê, hiện có 9 dự án nạo vét luồng hàng hải đã được các cơ quan chức năng cấp phép triển khai. Tuy nhiên, “cát tặc” lộng hành, gần đây Cục Hàng hải VN đã yêu cầu tạm dừng để rà soát, kiểm tra.
Tại TP Hồ Chí Minh, có những dự án xã hội hóa thực hiện theo đúng chủ trương của Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN nhưng không hiểu vì lý do gì có một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh có hiện tượng sạt lở… khiến dự án bị tạm ngưng. Các đoàn thanh tra liên ngành của TP Hồ Chí Minh, Thanh tra của Cục Hàng hải VN vào kiểm tra công khai nhiều ngày liền, sau đó xác định nhà đầu tư không có bất cứ sai phạm nào như các thông tin đã phản ánh. Tuy vậy, đến nay đã gần 3 tháng, dự án vẫn chưa được khởi động lại. Trong khi để thực hiện được dự án này, nhà đầu tư đã bỏ ra rất nhiều chi phí đầu tư thiết bị, nhân công nhằm đảm bảo tiến độ và duy trì phương tiện cho đến tận bây giờ mà cũng không biết khi nào được tiếp tục hoạt động.
Phản ánh với Báo Giao thông, lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải ở TP HCM cho biết, cứ dự án triển khai ở đâu là “cát tặc” bám sát hút cát ở gần đó nhưng không bị ngăn cấm hay kiểm tra. Trên một nhánh của sông Thị Vải, tại khu vực cảng đá Đức Hạnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi tối có 4 tàu hút của “cát tặc” hoạt động trong khoảng thời gian từ 22h-4h sáng. Trong khi đó, ở khu vực cầu Phú Mỹ (Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi đêm có từ 6 - 8 tàu hút hoạt động, do hai cha con của Sáu Tèo hợp tác cùng Hiếu Lé thi công. Tại khu vực Tắc Ông Trúc (sông Thị Vải), UBND tỉnh Đồng Nai đã cấm không cho thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải nhưng hiện tại vẫn có 4 cần cạp, 8 ghe bơm của một đơn vị hoạt động ngày đêm do một người tên “Thành cào cào” chỉ huy. Tại khu vực này, sà lan được yêu cầu đậu phía bên ngoài, chỉ khi nào đến lượt mới cho vào lấy cát. Tất cả được canh chừng rất cẩn thận, nếu có động là dừng ngay. |
Rất nhiều cuộc họp của Chính phủ gần đây nhận định tình trạng khai thác cát tại nhiều địa phương diễn ra phức tạp, thậm chí “cát tặc” còn đe dọa, tấn công lại lực lượng chức năng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép, trường hợp vi phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và đường thủy nội địa.
Việc Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xử lý nghiêm nạn “cát tặc” cho thấy, vấn đề này đang rất “nóng” và được dư luận quan tâm. Bởi, tình trạng khai thác cát trái phép gây hệ lụy đến thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, sạt lở ở nhiều khu vực. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Chính phủ trong việc kêu gọi xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khiến nhiều dự án có giấy phép thực hiện, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị “vạ lây”.
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Công ty CP Đầu tư khai thác cảng cho rằng, chủ trương của Chính phủ là không hề cấm các dự án thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải đã được cấp phép mà chỉ yêu cầu có sự giám sát chặt chẽ, các nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định; Xử lý nghiêm nạn “cát tặc” đang hoành hành ở nhiều địa phương. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp có tâm huyết trong thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa mong chờ.
“Vì vậy, với những dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải đã được cấp phép đúng quy định, đã thi công thời gian qua nếu không phát hiện sai phạm gì trong quá trình thi công thì cơ quan chức năng cần cấp thiết cho dự án được tiếp tục thực hiện để bớt khó khăn cho các nhà đầu tư”, ông Trường kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận