Xã hội

Doanh nghiệp đang kiệt sức, cần "bơm máu" ngay để cứu

15/06/2020, 06:41

Muốn cho sống thì phải “bơm máu” ngay, nếu đợi có kết quả 2020 thì năm 2021 mới quyết toán hỗ trợ, lúc đó thì làm sao sống nổi để nhận hỗ trợ?

img
Ông Bùi Sỹ Lợi, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự kiến cuối tuần này, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết

Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn bởi nếu giữ nguyên tiêu chí trong dự thảo thì đây sẽ lại là một gói hỗ trợ khó tới tay doanh nghiệp.

Tiêu chí hỗ trợ phi thực tế?

Theo dự thảo Nghị quyết, có 2 tiêu chí xác định doanh nghiệp được giảm số thuế phải nộp là những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có dưới 100 lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy chỉ mang tính chung chung cho tất cả đối tượng mà chưa phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế, dẫn đến sự cào bằng.

Theo ông Hà Anh Tuấn, Chủ tịch CLB SEO Việt Nam, gói hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp dành riêng cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dù chưa chính thức đưa vào áp dụng nhưng đã có rất nhiều ý kiến cho rằng “gói này chỉ doanh nghiệp “giàu” mới được hưởng”, còn những đối tượng khó khăn thì chỉ ngồi nhìn bởi họ “làm gì có lợi nhuận mà hưởng”.

Lý giải về điều này, ông Tuấn cho hay: Doanh nghiệp phải có thu nhập (có lãi thì mới được giảm thuế, còn không có thu nhập thì không được hưởng. Đồng nghĩa rằng, gói này không khả thi đối với những doanh nghiệp khó khăn thực sự, bởi đã khó khăn thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận sau thuế giá trị gia tăng (VAT), mà không có lợi nhuận sau thuế thì tương đương với không có điều kiện để hưởng…

“Nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức tiền cũng chẳng còn mà hoạt động thì lấy đâu ra lợi nhuận mà đợi để hưởng gói cứu trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Lúc này, giảm thuế đâu còn quan trọng trong việc cứu doanh nghiệp?”, vị này nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, để lý giải việc giới hạn đối tượng được hỗ trợ, cần đặt câu hỏi mục tiêu của gói hỗ trợ thuế này để làm gì? “Mục tiêu là dành một phần vốn hỗ trợ cho những doanh nghiệp còn có sức gượng dậy có điều kiện vươn lên để tiếp tục làm ăn, chứ không phải trải đều cho cả những doanh nghiệp quá ốm yếu, không thể trụ được. Nếu đã như vậy thì cần gì phải đưa ra điều kiện về lao động, nhiều hay ít đều phải được hỗ trợ.

Đáng nói, chính những doanh nghiệp đông lao động mới là đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, vì họ góp phần giải quyết công ăn việc làm, giảm nhẹ gánh nặng an sinh cho Nhà nước. Do đó, việc đặt ra những tiêu chuẩn kiểu “ban phát” đã làm mất đi mục tiêu, ý tưởng tốt ban đầu của gói hỗ trợ”, ông Lĩnh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp nào cũng cần hỗ trợ, miễn giảm thuế. Tuy nhiên, nếu gói hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ như các nước đang làm thì ngân sách của Việt Nam rất khó có thể thực hiện. Nhu cầu miễn giảm thuế của doanh nghiệp rất chính đáng nhưng cũng phải đặt trong bối cảnh hài hòa với lợi ích của Nhà nước. Hiện, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất đang chiếm khoảng 98% tổng thu.

Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 93% trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu dành nguồn lực hỗ trợ tất cả thì chắc chắn bội chi sẽ vượt quá cao, ảnh hưởng tới lạm phát. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là nước đang có nền kinh tế phát triển tương đối ổn định và tỷ lệ bội chi không quá cao.

“Do đó chúng ta phải giữ mức có tiền thuế để cân đối thu chi. “Đây cũng là lúc doanh nghiệp bớt khó khăn nên chia sẻ để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng”, bà Cúc phân tích.

Doanh nghiệp đang kiệt sức, cần “bơm máu” ngay

Cũng như ông Lĩnh, bà Cúc phản đối tiêu chuẩn quy định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có dưới 100 lao động mới được hỗ trợ về thuế. “Lao động của ngành xây dựng khác với thu mua chế biến nông sản hay thương mại dịch vụ… Do đó, cần xem xét và cân nhắc để tiêu chí lao động phù hợp với hoạt động của từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh”, bà Cúc nói.

Theo dự thảo Nghị quyết, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu đề xuất này được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 22.440 tỷ đồng.

Đánh giá về các gói hỗ trợ khác đã được triển khai sau đại dịch, ông Hà Anh Tuấn cho biết, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đều chưa tiếp cận được bởi thủ tục quá phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp đành bỏ cuộc.

“Đơn cử như gói vay 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do Covid-19. Nói là hỗ trợ nhưng thủ tục rất rườm rà, doanh nghiệp sắp “chết” đến nơi rồi còn yêu cầu thủ tục lằng nhằng thì sao có thể đảm bảo mục tiêu muốn cứu của Chính phủ”, ông Tuấn bày tỏ.

Theo ông Tuấn, đã hơn một tháng trôi qua, doanh nghiệp đang kiệt sức dần khi kinh tế chưa thể phục hồi ngay, nên các thủ tục hỗ trợ phải đơn giản nhất.

“Đặc biệt là điều kiện yêu cầu tín chấp cần xem xét kỹ để bỏ qua, vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà cần phải có một cái gì đó để tạo niềm tin mới được vay thì rất khó. Mà tín chấp thì cần phải có điều kiện ràng buộc…do đó, bớt thủ tục chính là điều kiện cần, chỉ cần chứng minh doanh thu sụt giảm là điều kiện đủ cần thiết cho gói vay này”, ông Tuấn nói.

Trước thực tế đó, với vai trò là Chủ tịch CLB SEO Việt Nam, ông Tuấn nhận định: “Cần có sự kết nối giữa ngân hàng thương mại và Chính phủ để tạo thuận lợi về mặt thời gian, rút ngắn thủ tục. Cụ thể, thông qua khoản vay của ngân hàng thương mại sẽ nhanh chóng và chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh khoản vay đó. Nếu trong trường hợp khó đòi vì rủi ro doanh nghiệp không thể vực dậy thì Chính phủ sẽ hỗ trợ.

Như vậy, Chính phủ vừa chưa phải bỏ tiền ngay, ngân hàng thương mại lại thực hiện cho vay bình thường, chỉ điều chỉnh lãi suất ưu đãi hơn chút và không thu lãi hàng tháng của doanh nghiệp. Bao giờ doanh nghiệp hoàn trả vốn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ khoản lãi cho phía ngân hàng”.

Để làm được, ông Tuấn đề xuất: “Chính phủ đưa ra được danh sách đủ điều kiện vay với số vay bao nhiêu dựa vào doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh thu trước đó đạt 10 tỷ đồng, nhưng năm nay bị ảnh hưởng nên doanh thu sụt giảm hơn một nửa thì ít nhất cũng phải cho vay khoảng 5 tỷ đồng, hàng năm dựa vào khoản thu về, ngân hàng sẽ tự động phong tỏa tài khoản ngân hàng để thu dần vốn. Nếu rủi ro sẽ thực hiện theo cam kết của Chính phủ… Có vậy mới rút ngắn được thời gian làm thủ tục, doanh nghiệp nhanh chóng được “bơm máu” kịp thời, may ra còn sống tiếp được”.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa):
Hỗ trợ cần kịp thời, tức khắc

img

Với điều kiện đặt ra của gói chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang bị tách làm đôi. Cụ thể, đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thì có thể chấp nhận được vì sát với tiêu chí của lĩnh vực này là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 100 người và tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ thì bất cập ở chỗ doanh thu của lĩnh vực này giới hạn doanh thu đến 100 tỷ đồng, trong khi điều kiện lại có 50 tỷ đồng. Như vậy, liệu doanh thu doanh nghiệp trong lĩnh vực này hơn 50 tỷ đồng có được hưởng không, bởi nếu yêu cầu giới hạn dưới 50 tỷ thì thiệt thòi cho lĩnh vực này.

Điều bất cập tiếp theo chính là giới hạn lao động trong thời điểm này. Đã là thời điểm khó khăn thì những doanh nghiệp đã có lãi rồi mà họ giải quyết được thêm nhiều lao động càng tốt chứ sao lại giới hạn? Đây là điều không ổn. Do đó, cần lấy doanh thu sau thuế của năm 2019 làm điểm chuẩn, giảm luôn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đó để họ lấy tiền chi trả cho những khó khăn trước mắt.

Muốn cho sống thì phải “bơm” ngay để lấy cơm, gạo nuôi nhân viên, nếu đợi có kết quả 2020 thì năm 2021 mới quyết toán, lúc đó thì làm sao sống nổi mà nhận hỗ trợ? Đã là hỗ trợ thì cần kịp thời, tức khắc nên cách nhanh nhất là dựa vào doanh thu sụt giảm của từng doanh nghiệp trong thời điểm so với kết quả năm 2019, từ đó để có kế sách tốt, đừng kèm điều kiện mà cần khuyến khích giải quyết cho người lao động có việc làm nhanh chóng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.