Dọc các tuyến đường dẫn vào nhiều KCN lớn tại Bình Dương như: Sóng Thần, Mỹ Phước, Đông An... hàng loạt băng rôn thông báo tuyển dụng gấp được giăng kín. Ảnh: Lan Anh
Tuy nhiên, việc tuyển được lao động không hề dễ dàng, mặc dù điều kiện đặt ra rất đơn giản.
Muốn mở rộng sản xuất cũng khó
Chị Nguyễn Thị Oanh (quê Nghệ An), vừa quay lại Bình Dương sau kỳ nghỉ Tết cho biết, trước đây chị làm công nhân may cho một công ty nước ngoài tại khu công nghiệp Sóng Thần.
Tuy nhiên, do công ty cắt giảm giờ làm, không có tăng ca nên ra Tết, chị xin nghỉ và đang đi tìm việc mới. “Các doanh nghiệp tuyển rất nhiều, tôi làm cả vài chục hồ sơ, tha hồ chọn việc. Đi dọc khu công nghiệp Bình Dương tôi có thể tìm được hàng chục công việc mà không cần kinh nghiệm, mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, được đóng BHXH”, chị Oanh nói.
Đại diện Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Myoungsung Vina ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cho biết, do có kế hoạch mở rộng sản xuất nên công ty đăng tuyển thêm 100 công nhân may và nhiều vị trí khác. Tuy nhiên, việc tuyển dụng sau Tết hiện rất khó, dù số người thất nghiệp tăng cao do nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo vị này, cả mấy tuần nay, công ty vừa tuyển trực tiếp vừa thông qua các đơn vị giới thiệu việc làm. Việc ứng tuyển cũng khá đơn giản, không đòi hỏi lao động có kinh nghiệm, phỏng vấn là đi làm luôn. Tuy vậy, số người đến liên hệ rất ít, mỗi ngày trung bình dưới 10 người.
Tuyển lao động khó khăn nên cách làm của các công ty tuyển dụng cũng phải sáng tạo, thay đổi. Theo ghi nhận, Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS (Quảng Trị) ngoài thông báo tuyển dụng lao động, in thông tin lên các tờ rơi, thông báo ở sàn giao dịch việc làm, còn phải phải in áp phích dán lên xe ôtô rồi chạy dọc các tuyến đường để tìm kiếm lao động. Mặc dù vậy, cả tháng nay công ty chỉ mới tuyển được khoảng 50 công nhân, so với nhu cầu thực tế 200 công nhân may, 40 công nhân kiểm hàng, 50 lao động phổ thông...
Tương tự, ông Lê Văn Vương, giám đốc một công ty chế biến rác thải công nghiệp (Bắc Ninh) chia sẻ, năm ngoái công ty hạn chế sản xuất, đã cho nghỉ gần phân nửa - khoảng 70 người.
Năm nay nhận định tình cảnh “sống chung với dịch” còn tiếp diễn nên lập lại kế hoạch kinh doanh, công ty cần tuyển 100 công nhân các vị trí nhưng không những không kêu gọi được người cũ mà lượng người mới nộp đơn cũng thưa thớt.
“Nếu tình trạng này kéo dài thì vài tháng tới công ty mới bắt tay vào hoạt động được. Lượng lao động địa phương khan hiếm khi đồng loạt nhiều khu công nghiệp cùng tuyển dụng, trong khi người tỉnh lẻ vẫn chưa đi làm lại. Một phần vì họ sợ dịch bệnh, lại tiếp tục thôi việc nên vẫn còn chần chừ, mặt khác, họ chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ cho đối tượng nghỉ việc vì Covid-19”, ông Vương nhận định.
Người lao động đủng đỉnh, kén việc
Theo chia sẻ từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hàng trăm doanh nghiệp ở Bình Dương đang có nhu cầu tuyển gần 41.500 công nhân. Nhiều công ty ngành may mặc, giày da tại các khu công nghiệp Bình Dương thông báo tuyển dụng từ vài chục, vài trăm lao động phổ thông.
Thậm chí, chi nhánh Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (khu công nghiệp Sóng Thần) treo biển tuyển 1.000 công nhân cắt, may cả nam lẫn nữ. Một số công ty dựng bàn tuyển dụng ngay ngoài đường để đón lao động ngay cổng công ty, thay vì tổ chức bài bản như trước đây.Tuy vậy, nguồn cung lao động hiện tại chưa đủ đáp ứng khi lượng người đến phỏng vấn rất ít.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, lượng tuyển dụng sau Tết rất dồi dào, hiện nhu cầu lên tới hàng chục nghìn công nhân. Tuy nhiên, người tìm việc rất ít dù yêu cầu tuyển dụng được đặt ra cũng khá đơn giản, phần lớn không yêu cầu kinh nghiệm.
Ông Thành cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do phần lớn người lao động đã về quê ăn Tết và cũng chưa trở lại làm việc vì lo ngại tình hình dịch bệnh.
“Nhưng trong bối cảnh này, cũng có thể nhiều người đã chọn cách tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để mong tìm được công việc ổn định. Cũng không loại trừ việc nhiều người đang “nghe ngóng” hỗ trợ từ Chính phủ trước khi đi làm lại”, ông Thành nói.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, số vốn đầu tư từ doanh nghiệp tăng mạnh nhưng số lao động đăng ký lại giảm rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 2/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179.700 tỷ đồng, tăng 15,9% và số lao động đăng ký 56.900 người, giảm 50,9% so với tháng 1/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số doanh nghiệp quay lại sản xuất sau thời gian “ngủ đông” cũng tăng mạnh, ngưỡng 4.604 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận