Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé |
Mỗi địa phương giảm một kiểu
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu xăng dầu chiếm từ 40-50% chi phí vận tải. Như vậy, khi xăng dầu giảm khoảng 1/3, cước vận tải cũng phải giảm từ 12 -15% mới hợp lý. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm này, đã có 36 địa phương gửi báo cáo về giá cước vận tải, trong đó TP HCM có 25/26 doanh nghiệp taxi giảm giá tỷ lệ 3-9%; 42/57 doanh nghiệp tuyến cố định giảm 2-14%; Hà Nội có 64/100 đơn vị taxi giảm giá 2-9%; 11-60 doanh nghiệp tuyến cố định giảm 5,8-10,6%; 2/20 doanh nghiệp container giảm 3,4-3,9%... Riêng tại Bình Định đã có 32/36 doanh nghiệp giảm giá cước, tỷ lệ giảm từ 3-26,32%.
Bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Giá công nghiệp tiêu dùng (Cục Quản lý giá) cho biết, có nhiều báo cáo từ các địa phương chưa có kết quả cụ thể số lượng doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá và tỷ lệ giảm giá cước, như: Sơn La, Cà Mau, Cần Thơ, Hòa Bình... Các địa phương này chỉ báo cáo tỷ lệ giảm bình quân từ 3-15%.
Cá biệt, có những địa phương báo cáo mới chỉ gửi công văn đề nghị giảm giá, đến nay địa phương cũng chưa có kết quả cụ thể về số lượng doanh nghiệp giảm và tỷ lệ giảm cước như: Ninh Thuận, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Trị...
Miền Trung: Giá cước vận tải giảm “nhỏ giọt” 5-10%
Tại Thừa Thiên-Huế, đến ngày 15/1, tất cả các DN vận tải trên địa bàn đều đồng loạt giảm giá từ 5-10%. Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, Ngô Văn Tuân cho hay, 2 tuần qua lãnh đạo Sở đã xuống từng DN kiểm tra và yêu cầu giảm giá cước.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, từ tuần trước, đơn vị cùng Sở Tài chính và Chi cục Thuế Đà Nẵng lập đoàn liên ngành kiểm tra giá cước vận tải ô tô trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc giảm giá cước.
Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị, Lê Thanh Hùng cũng cho biết: UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đi kiểm tra, thống nhất việc giảm giá cước vận tải với các DN vận tải trên địa bàn tỉnh. Hiện, các đơn vị vận tải đều giảm giá cước mức dưới 10%.
Còn theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam Nguyễn Văn Nhân, các DN cũng đã điều chỉnh giảm nhẹ từ 5- 8%. Sở sẽ tiếp tục kiểm tra nếu thấy các DN nào “chây ì” trong việc chậm giảm giá cước thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
TPHCM: Phát hiện kê khai tăng giá không phù hợp
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện tại bến xe Miền Đông có trường hợp kê khai giá không phù hợp với mặt bằng chung ở đầu bến (bến ở tỉnh nhà xe đăng ký).
Về việc doanh nghiệp phụ thu giá vé 60% dịp Tết vào ngày cao điểm tại BX Miền Đông, ông Minh lý giải những ngày cận Tết, nhà xe phải thuê thêm xe bên ngoài tăng cường phục vụ hành khách. Do doanh nghiệp chỉ phục vụ một chiều, chiều về chạy không nên họ phải phụ thu để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, lý do này khó thuyết phục. Bởi dịp Tết không chỉ TP HCM có nhu cầu đi lại tăng cao, nhưng các đơn vị tại thành phố này đã áp dụng phụ thu cao nhất tới 60%.
Cần Thơ: Mức giảm chênh lệch lớn
Chiều 15/1, ông Lê Thuận Bé, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, đã có 14 doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn thực hiện kê khai lại giá cước. Trong đó có 12 đơn vị thực hiện việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu. Có hai đơn vị giữ nguyên mức giá đã kê khai là Ban quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (kinh doanh vận tải bằng xe buýt) và Chi nhánh Công ty Cổ phần Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ (kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi).
Đối với các đơn vị KDVTHK theo tuyến cố định, mức kê khai giảm giá cao nhất là 12,5% và thấp nhất là 1,56%. Trong đó, HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ đăng ký giảm giá 28 tuyến, trong đó có hai tuyến giảm giá 12,5% là tuyến Cần Thơ - Long Xuyên và ngược lại.Đối với các đơn vị kinh doanh taxi, mức kê khai giảm nhiều nhất là 23,8% (Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Cần Thơ) và thấp nhất là 3,125% (Chi nhánh Công ty Cổ phần SX-TM-DVVT Sài Gòn tại Cần Thơ). Còn xe buýt, mức giá kê khai giảm cao nhất là 11,18% và thấp nhất là 8% (Công ty Cổ phần Xây dựng và giao thông vận tải Cần Thơ).
Hải Phòng: Từ 20/1 kiểm tra kê khai, giá cước
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, đến 16h chiều qua (15/1), Hải Phòng đã có 19/36 doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký giảm giá cước.
Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi chủ động giảm giá cước như taxi Én Vàng, Vũ Gia, Trung Kiên… Mức giảm phổ biến từ 7 - 10%. Ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Thịnh Hưng cho biết, từ ngày 10/12/2014 đơn vị này đã đăng ký giảm giá cước xuống 10% cho dù một số tuyến xe buýt Thịnh Hưng khai thác đang phải bù lỗ.
Theo kế hoạch từ 20/1, Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước tại bốn bến xe, 11 đơn vị vận tải taxi và tuyến cố định. Sau Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra các đơn vị đã giảm cước đợt 1, đồng thời sẽ nhắc nhở các BQL bến xe vận động các doanh nghiệp có xe chạy đối lưu thực hiện giảm giá vé. Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, Sở GTVT Hải Phòng đã thông qua Hiệp hội Vận tải để vận động giảm giá cước.
Đến cuối giờ chiều qua, một cán bộ Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, mới có 6/40 DN vận tải trên địa bàn Quảng Ninh đăng ký giảm giá cước. Sở đang tiến hành kiểm tra, vận động các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải.
Hà Nội: Mức giảm phổ biến 3 - 7%
Cuối giờ chiều qua, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé. Tuy nhiên, các DN đa phần chỉ giảm 5-7%. Số ít DN đăng ký giảm tối đa 12%. Tương tự, Giám đốc Bến xe phía Nam, Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, đơn vị mới nhận được đăng ký giảm giá của khoảng 10 doanh nghiệp, tuy nhiên mức giảm phổ biến chỉ từ 3 -5%.
Trước đó, theo Sở Tài chính Hà Nội, trong số 69/114 doanh nghiệp taxi đăng ký giảm giá cước, thì hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800-1 nghìn đồng/km (5-8%). Chỉ có ba trường hợp giảm từ 1.200-1.500 đồng/km (10-11%) là Mai Linh, Thiên Phong (taxi Thành Công) và Thanh Nga.
Trong số 62 doanh nghiệp vận tải khách cố định trên địa bàn, mới có 19 đơn vị giảm giá cước phổ biến 5-10% như HTX Vận tải Thăng Long giảm 30 nghìn đồng/vé. Đối với vận tải hàng hóa, đến nay mới có 2/172 doanh nghiệp giảm giá cước 3-4%...
Theo bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Giá công nghiệp tiêu dùng, Cục Quản lý giá, giá cước vận tải không phải là hàng hóa thuộc diện phải áp giá, các doanh nghiệp vận tải chỉ cần đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước (là Sở Tài chính, Sở GTVT địa phương) trước khi điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nếu thấy doanh nghiệp tăng/giảm giá bất hợp lý, cơ quan quản lý giá vẫn có quyền kiểm tra các yếu tố cấu thành giá và xử lý nếu có những gian lận trong kê khai, tính giá, tính thuế. Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, hoàn toàn có thể xác minh, xử lý nghiêm các hành vi không tăng giá cước của doanh nghiệp vận tải như: Vi phạm về lập phương án giá hàng hóa dịch vụ (tính giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành); vi phạm về quy định đăng ký giá, kê khai giá theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phat hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn… |
Nhóm phóng viên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận