Quản lý

Doanh nghiệp đường thủy muốn nới rộng thời gian bảo trì

11/10/2016, 14:50

Dù mới triển khai thí điểm đấu thầu bảo trì đường thủy nhưng hiệu quả mang lại rất rõ ràng, nâng cao chất lượng...

8

Kiểm tra tuyến, bảo dưỡng đèn là một hạng mục công việc bảo trì đường thủy

Để công tác này hiệu quả hơn, các doanh nghiệp (DN) mong muốn kéo dài thời gian đấu thầu lên từ 2-5 năm thay vì chỉ 1 năm như hiện nay.

Mở rộng phạm vi đấu thầu

Tháng 5/2016, các tuyến đường thủy phía Bắc: Sông Hồng, Thái Bình, Lô, Đuống, Kinh Thầy... bắt đầu thực hiện bảo trì thường xuyên theo hình thức đấu thầu. Nội dung công tác bảo trì được yêu cầu cao hơn so với trước đây, các DN trúng thầu, trực tiếp bảo trì luồng tuyến phải trang bị máy đo độ sâu với độ chính xác cao, gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu công tác để chứng minh số lượng kiểm tra tuyến đúng theo hợp đồng, chụp ảnh phao tiêu, báo hiệu để lưu vào dữ liệu. Cùng đó, mỗi tháng, đơn vị quản lý Nhà nước nghiệm thu chất lượng công việc mà DN bảo trì đã thực hiện và chỉ thanh toán khi DN bảo trì thực hiện đúng nội dung hợp đồng.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, tới đây Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm các tiêu chí quản lý bảo trì rõ ràng, mạch lạc hơn. Chẳng hạn, có thể thay đổi quy trình giám sát đối với nhà thầu, như căn cứ trên thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kiểm tra tuyến, có sự tách bạch giữa các số liệu, để có thể ngồi nhà cũng kiểm soát được kết quả công việc, không phải đi nghiệm thu nhiều như hiện nay. 

Theo đại diện Ban QLDA đường thủy nội địa (ĐTNĐ) - đơn vị trực tiếp quản lý đấu thầu, trong năm 2016 các tuyến đường thủy quốc gia do cục trực tiếp quản lý, được chia thành hơn 20 gói thầu, đều được tổ chức đấu thầu thí điểm trong 8 tháng, từ tháng 5 đến hết tháng 12/2016. Nội dung các hợp đồng với DN trúng thầu đều nêu rõ cụ thể từng yêu cầu.

Dù yêu cầu cao hơn nhưng kết quả là các gói thầu bảo trì đường thủy đều giảm 3-5% chi phí so với trước kia, tiết kiệm tiền tỷ cho ngân sách Nhà nước. Cùng đó, chất lượng luồng tuyến đường thủy cũng tốt hơn bởi quy trình giám sát, nghiệm thu chặt chẽ, tuân thủ theo quy trình quản lý chất lượng trong lĩnh vực đường thủy.

Hiện tại, chưa đầy 3 tháng nữa thời hạn thầu sẽ kết thúc để tổ chức đợt đấu thầu tiếp theo. Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, do 2016 là năm đầu tiên thí điểm nên cục sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để phù hợp hơn cho những lần tiếp theo. Dự kiến, số lượng gói để thầu sẽ ít hơn so với con số hơn 20 gói thầu của năm đầu tiên. Tuy nhiên, phạm vi quản lý bảo trì trong mỗi gói thầu sẽ rộng hơn, căn cứ theo cả chiều dài tuyến đường thủy, để tránh bị phân tách, chia theo địa bàn quản lý của các đơn vị quản lý trước đây. Dự kiến, thời hạn đấu thầu là 1 năm.

Cạnh tranh bằng giá, tiết kiệm tiền cho ngân sách

Đề cập vấn đề liệu giá thành quản lý bảo trì trong những lần đấu thầu năm sau có giảm hơn so với năm nay, ông Hoàng Hồng Giang cho rằng: “Khi tính cạnh tranh ở gói thầu cao và mở rộng đối tượng tham gia bỏ thầu, bên cạnh việc cạnh tranh bằng giải pháp kỹ thuật quản lý, nhà thầu sẽ phải cạnh tranh bằng giá thành nên sẽ tiết kiệm được số tiền không nhỏ cho Nhà nước”.

Chia sẻ với Báo Giao thông sau thời gian đầu thí điểm đấu thầu, đa phần các nhà thầu đều rất đồng thuận với chủ trương này. Tuy nhiên, lãnh đạo các DN mong muốn kéo dài thời gian, không nên đấu thầu mỗi năm một lần mà cần kéo dài hơn, tương tự như lĩnh vực bảo trì đường bộ là 3 năm/lần.

“Việc thí điểm thời hạn đấu thầu chỉ 8 tháng như vừa rồi là ngắn quá. Nếu năm sau thời hạn thầu cũng chỉ 1 năm là không phù hợp, bởi vừa đấu thầu xong đã phải lo thủ tục đấu thầu tiếp. Nên tổ chức đấu thầu  2 - 5 năm để DN chủ động công việc, chủ động đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất được hiệu quả”, giám đốc một DN bảo trì (đề nghị không nêu tên) nêu vấn đề.

Vấn đề khác cũng được đặt ra là khi thực hiện bảo trì theo hình thức đấu thầu, DN phải tốn kém thêm chi phí “bảo lãnh tạm ứng” cho ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho các DN, nhất là một số DN vừa từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, rất khó khăn về nguồn vốn lưu động. “Những năm trước khi thực hiện công việc bảo trì theo hình thức đặt hàng, đơn vị được tạm ứng kinh phí bảo trì mà không cần điều kiện gì. Khi chuyển sang đấu thầu, đơn vị phải có bảo lãnh mới được tạm ứng, như vậy phải mất chi phí cho ngân hàng để được bảo lãnh”, giám đốc một DN khác cho biết. Vì vậy, các DN cũng mong Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất hoặc có cơ chế tháo gỡ để giảm chi phí trên, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.