Tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9, đại diện nhiều doanh nghiệp đã giãi bày những góc khuất của thị trường xăng dầu hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải cho biết, mức chiết khấu từ tháng 7 đến nay là 0-50 đồng/lít, không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động,... Khiến cho việc kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ.
Cùng chung khó khăn này, bà Lê Thị Nhã, chủ doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội) cho rằng, lợi nhuận kinh doanh suốt 2 tháng nay không đủ trả tiền điện vì chiết khấu không có. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.
"Các cơ quan quản lý ở địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải bán hàng, không được phép đóng cửa, dù càng bán càng lỗ. Doanh nghiệp không biết sẽ phải làm ăn như thế nào", ông Hạnh nói.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu càng bán càng lỗ
Mổ xẻ những vấn đề trong kinh doanh xăng dầu, ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) cho rằng, các quy định hiện nay có nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp rất khổ sở.
Những bất cập được ông Sơn chỉ ra như, 1 cây xăng giờ xuống cấp nhưng để sửa thì vướng hàng loạt quy định, từ an toàn môi trường, cảnh quan, kiến trúc, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, trong khi một cây xăng tối thiểu xin phép mất 5 năm, thậm chí 10 năm.
Chưa kể, doanh nghiệp vướng đủ quy định như phải có phương án xử lý sự cố tràn dầu, trong khi quy định này chỉ hợp lý với các phương tiện vận tải thủy.
Hay quy định về cây xăng phải cách ngã 3 ngã tư 30-50m cũng là quy định bất cập trong khi các nước không ai quy định như vậy. Thậm chí như ở Nhật, họ có quy định dưới toà nhà cao tầng là cây xăng luôn.
Ngoài ra, còn đề án bảo vệ môi trường cũng vậy. "Ngày trước xăng là xăng pha chì, giờ không còn loại này. Dầu cũng tỷ lệ lưu huỳnh rất thấp. Vì vậy doanh nghiệp xăng dầu phải qua một đơn vị chuyên làm cái này, chi vài chục triệu để rồi cũng mua bán là xong”, ông Sơn nói.
Ông Sơn nhấn mạnh: "Khi xây dựng chính sách, cần phải tiếp cận thực tiễn thị trường để xây dựng cho sát, không thể ngồi trong phòng kính để làm chính sách như hiện nay.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa) cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ đang bị các đầu mối ép đủ đường và chỉ có đầu mối được hưởng lợi.
"Trong quy định của luật, các chi phí định mức đã có đủ các loại chi phí từ lưu thông, vận tải, hao hụt nhưng thực tế hiện nay, các DN đầu mối để chi phí bằng 0 cho doanh nghiệp bán lẻ là không sòng phẳng", bà Hường nói.
Một điểm bất cập khiến bà Hường lưu tâm nhất đó là việc "cơ quan quản lý cần chủ động kiến nghị rút ngắn thời gian điều hành giá".
Theo bà Hường, hiện nay những kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, 7 ngày, thậm chí 9 ngày, mà không được điều chỉnh kịp thời sẽ khiến thị trường méo mó, trở lại như thời bao cấp.
Với những bất cập trên, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vào hệ thống và trách nhiệm của mình cũng như với doanh nghiệp.
Theo ông Bảo, với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có doanh nghiệp nào tồn tại được cả. Do đó, nhiều doanh nghiệp có nhiều kiến nghị phải điều hành theo cơ chế thị trường và đến thời điểm này đã hội tụ đủ để thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận