Quản lý

Doanh nghiệp giao thông bứt phá sau cổ phần hóa

01/01/2018, 07:37

Những năm vừa qua, GTVT được đánh giá là ngành đi đầu thực hiện chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp...

sung-so-ve-dep-cau-nhat-tan-nhin-tu-tren-cao

GTVT được đánh giá là ngành đi đầu thực hiện chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. (Ảnh minh hoạ)

Từ năm 2011 đến nay, ngành GTVT đã hoàn thành cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hàng không, hàng hải, đường thủy. Sau thời gian đầu khó khăn, gần đây nhiều doanh nghiệp có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

25

Ông Phạm Hữu Sơn

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI:

Không còn bị hạn chế đấu thầu các dự án vốn nước ngoài

Sau nhiều năm bị hạn chế tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn nước ngoài do quy định của các tổ chức cho vay quốc tế, ngay sau khi hoàn thành cổ phần hóa (năm 2014), Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - CTCP) đã tập trung khôi phục lại mảng thị trường đầy tiềm năng này. Từ năm 2015 đến nay, TEDI đã ký nhiều hợp đồng trực tiếp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện các nghiên cứu giúp JICA xem xét đầu tư một số dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, môi trường nước, logistics; TEDI cũng đang tích cực tham gia đấu thầu các dự án của ADB, WB và thu được kết quả tích cực.

Hiện nay, TEDI hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trong giai đoạn 2017 - 2026, HĐQT tổng công ty đã thông qua một bản chiến lược xác định hướng phát triển của tổng công ty trong thời gian tới. Theo đó, TEDI khẳng định sứ mệnh: “Khởi tạo giá trị bền vững của mỗi công trình xây dựng”. Sứ mệnh này là lời cam kết cao nhất về việc TEDI tiếp tục với ngành nghề truyền thống của mình là tư vấn xây dựng và cam kết với xã hội về trách nhiệm xây dựng những công trình bền vững cho đất nước.

TEDI cũng xác định giá trị cốt lõi của mình đó là: “Độc lập - Sáng tạo - Trung thực - Trách nhiệm”, thể hiện cam kết của người kỹ sư tư vấn, mang đến cho xã hội những công trình chất lượng cao nhất, kết cấu độc đáo, kiến trúc ấn tượng, hài hòa với cảnh quan, bảo vệ môi trường và bền vững với thời gian.

Riêng trong năm 2018, TEDI sẽ tập trung nghiên cứu để tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời tiến hành nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao để Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.

26

Ông Ngô Văn Tuấn

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco:

Thoát khủng hoảng nhờ cổ phần hóa

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, năm 2014, Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco - CTCP) đã tiến hành cổ phần hóa thành công. Từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Vinawaco đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Cổ phần hóa đã đưa doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, thậm chí Thủ tướng Chính phủ từng hai lần yêu cầu Bộ GTVT làm thủ tục để giải thể cho phá sản doanh nghiệp.

Sau hơn ba năm thực hiện theo mô hình công ty cổ phần, chúng tôi đã thoát khỏi tình trạng yếu kém, giá trị sản lượng và doanh thu liên tục tăng trưởng vượt bậc và luôn duy trì đà tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, thu nhập và đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện. Điển hình, sau khi cổ phần hóa, tiền lương của cán bộ, công nhân viên tăng khoảng 30-35% và được chi trả đều đặn hàng tháng.

Về mặt định hướng phát triển, ngay từ khi trở thành cổ đông chiến lược của Vinawaco, chúng tôi luôn mong muốn đưa doanh nghiệp trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, ngoài những ngành nghề kinh doanh truyền thống như nạo vét, duy tu công trình thủy và xây dựng hạ tầng giao thông, HĐQT tổng công ty đã ban hành nghị quyết bổ sung ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trong năm 2018, Vinawaco tiếp tục tham gia thi công nhiều dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng như: Dự án khu nhà ở thấp tầng liền kề và biệt thự tại Khu đô thị Thanh Liệt, Hà Nội (khoảng 350 căn); Dự án chung cư 30 tầng nổi, ba tầng hầm tại lô C37, khu C - Khu đô thị đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Đặc biệt, Vinawaco tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án Khu đô thị Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng do Vinawaco làm chủ đầu tư.

27

Ông Trần Thanh Hiền

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines:

Cổ phần hóa tạo động lực nâng hiệu quả kinh tế

Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, Vietnam Airlines đã có sự thay đổi lớn, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh. Thực tế, kết quả kinh doanh năm 2016 của TCT với mức lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 5 - 6 lần so với những năm trước cổ phần hóa đã minh chứng cho điều đó.

Là những người trong cuộc, chúng tôi hiểu rõ kết quả trên không có gì bất ngờ, tất cả đều dựa trên nền tảng thay đổi rất lớn về sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu và thay đổi phương thức quản trị của doanh nghiệp. Kết quả của quá trình thay đổi và tăng tốc thay đổi, cùng với những yếu tố thuận lợi như thị trường tăng trưởng với tốc độ cao, giá dầu duy trì ở mức thấp đã mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan.

Có thể khẳng định, năm 2017 là một năm thành công khá toàn diện của VNA. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực, thậm chí đạt kết quả tốt hơn năm 2016, bất chấp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giá dầu tăng cao. CPH đã tạo động lực và là một bước quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và năng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Khi VNA lựa chọn ANA (hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways) là đối tác chiến lược, hai bên đã nhìn thấy những lợi ích trong sự hợp tác này. Khi hai hãng hàng không hợp tác với nhau, đặc biệt khi ANA trở thành nhà đầu tư, cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines thì việc tích hợp thế mạnh của các bên được phát huy, trong đó rõ nét nhất, lớn nhất là tích hợp phát triển mạng đường bay của hai bên.

Đến nay, Vietnam Airlines đã có những chuyến bay liên doanh (code share) với ANA ở trên thị trường nội địa Nhật Bản và ngược lại ANA cũng có những chuyến bay nội địa ở thị trường Việt Nam. Hai bên đã có nhiều chương trình hợp tác và đi vào hoạt động hiệu quả, điển hình là chương trình khách hàng thường xuyên. Cụ thể, hội viên ANA Mileage Club và Bông sen vàng của Vietnam Airlines có thể tích lũy dặm khi bay trên các chuyến bay hợp tác liên danh giữa hai hãng và được trả thưởng trên các chuyến bay do hai hãng vừa là hãng tham gia vừa là hãng khai thác.

Vietnam Airlines đang hoàn tất giai đoạn cuối cùng của cổ phần hóa, cụ thể là phát hành cổ phiếu tăng vốn và sử dụng vốn thặng dư, đánh giá lại giá trị phần vốn Nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần để tăng vốn Nhà nước khi công ty cổ phần tăng vốn điều lệ. Dự kiến, quy trình này sẽ xong đầu năm 2018. Ngay sau khi hoàn tất các quy trình đó, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển lên sàn chứng khoán, có thể là HOSE. Chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện rất đầy đủ, chỉ lựa chọn thời điểm và thời gian hợp lý để đưa lên sàn chứng khoán, dự kiến vào nửa cuối của quý II/2018.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn là một phần của phương án CPH Vietnam Airlines. Trong phương án CPH và quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước chủ trương dùng phần thặng dư vốn trong quá trình IPO và chuyển đổi doanh nghiệp để đầu tư mua cổ phần Nhà nước tại Vietnam Airlines khi DN cổ phần phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Lần này, Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu lượng phát hành mới xấp xỉ 16% vốn điều lệ hiện hữu, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng theo mệnh giá. Nhà nước và các cổ đông hiện hữu, kể cả cổ đông chiến lược sẽ được quyền mua cổ phiếu phát hành tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn hiện hữu. Giá cổ phiếu phát hành ra cho cổ đông hiện hữu là 10 nghìn/cổ phiếu. Cổ đông có thể thực hiện quyền mua hoặc bán quyền mua cho người khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.