Kinh tế

Doanh nghiệp giao thông chia cổ tức “khủng”

04/02/2015, 07:06

Ngay trong năm đầu CPH, nhiều doanh nghiệp ngành GTVT đã chia cổ tức cho các cổ đông ở mức 15%.

81
Nỗ lực của đội ngũ CBCNVC CIENCO4 trong năm qua đã được cụ thể hóa bằng mức chi trả cổ tức dự kiến lên tới 15%

Nhà đầu tư hài lòng, cổ đông phấn khởi

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, đến nay, một số tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đang lên phương án chia cổ tức cho các cổ đông. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) là đơn vị đưa ra mức chi trả cổ tức thuộc loại cao nhất, dự kiến lên tới 15%. Đây cũng chính là doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 10 Tổng công ty hoàn thành CPH trong năm 2014. Cụ thể, doanh thu của công ty mẹ CIENCO4 đạt 9.616 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 77 tỷ đồng. “Chúng tôi dự kiến chi trả cổ tức ở mức 15% theo đúng Nghị quyết mà Đại hội cổ đông của Tổng công ty đặt ra“, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT CIENCO4 cho biết.

Một thương hiệu lớn khác là Tổng công ty Thăng Long (TLG) cũng có mức chia cổ tức khá cao. Theo ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc TLG: “Dù mới chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được hơn 6 tháng nhưng nhờ nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 khá tốt. Năm qua, tất cả các chỉ số về tổng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập bình quân đều tăng. Dù đến tháng 3/2015, Đại hội cổ đông Tổng công ty mới có quyết định chính thức nhưng chúng tôi dự kiến sẽ chia cổ tức ở mức 12%. Các nhà đầu tư cũng khá hài lòng với kết quả đạt được”.

"Với lợi nhuận và mức chia cổ tức rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư đã chọn được kênh đầu tư hiệu quả, ổn định hơn nhiều lĩnh vực đầu tư khác. Kết quả đó đã đáp ứng được kỳ vọng của không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư mà còn cho thấy sự đúng đắn của chủ trương CPH các doanh nghiệp”.

Ông Vũ Anh Minh,
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp

Công ty mẹ CIENCO1 trong năm 2014 cũng đạt doanh thu 3.204 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 39,5 tỷ đồng. Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 cho biết, mức chi trả cổ tức cho các cổ đông của doanh nghiệp trong năm 2014 dự kiến ở mức 7% theo đúng Nghị quyết đại hội đồng cổ đông đưa ra.

Một thương hiệu lớn khác là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) năm 2014 có tổng doanh thu đạt 620 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2013. Cổ tức dự kiến trung bình toàn Tổng công ty đạt 13%. Trong đó hai đơn vị trả cổ tức cao nhất là Công ty CP Tư vấn XDCTGT 2 cổ tức 17%/năm và Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm cổ tức 16,8%/năm.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, Công ty mẹ - Tổng công ty có vốn điều lệ là 125 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt khoảng 16%. Con số này vượt so với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông lần thứ nhất phê duyệt. Như vậy xét về mục tiêu đầu tư tài chính đơn thuần đã đáp ứng được lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư.

Một số Tổng công ty khác vốn đang gặp những khó khăn nhưng sau khi thực hiện thành công CPH cũng đang dự tính chia cổ tức cho cổ đông. Theo ông Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco): “Dù đang gặp nhiều khó khăn, đang cố gắng vượt qua khủng hoảng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng chia cổ tức ở mức mà Nghị quyết Đại hội cổ đông đưa ra là 4%”.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy cũng khẳng định, doanh nghiệp đang từng bước vượt qua khó khăn. Doanh thu và lợi nhuận của năm nay chủ yếu đầu tư và trừ vào khấu hao máy móc thiết bị nên chưa thể chi trả cổ tức cao được: “Doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức cho các cổ đông. Số liệu chính thức về mức chia sẽ được công bố vào tháng 3 tới“, ông Nguyên nói.

82

Nhiều doanh nghiệp giao thông trả cổ tức theo đúng nghị quyết đại hội cổ đông đặt ra

Nhà nước thu về trên 1.123 tỷ đồng

Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), với kết quả doanh thu và lợi nhuận như năm 2014 của các doanh nghiệp sau khi đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình cổ phần là một tín hiệu tích cực về công tác CPH. Tuy các doanh nghiệp chưa có báo cáo chính thức về cổ tức chia cho các cổ đông nhưng dự kiến sẽ rất khả quan.

Trên cơ sở doanh thu khá tốt của các doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế trung bình của 10 Tổng công ty đã tiến hành CPH trong năm 2014 đạt tới 43,29% là một con số ấn tượng.

Cũng theo ông Minh, chỉ sau 6 tháng chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần (tính đến 31/12/2014), vốn chủ sở hữu của 10 công ty mẹ - tổng công ty (TEDI, TCT Vận tải thủy, Vinamotor, TCT Xây dựng đường thủy, TCT Thăng Long, CIENCO 1, 4, 5, 6, 8) tăng 17,21%, doanh thu tăng 7,2%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,3%, thu nhập bình quân người lao động tăng 18,6%. Ngoài việc Nhà nước thu về trên 1.123 tỷ đồng từ bán bớt cổ phần thông qua CPH, các doanh nghiệp đã phát hành thêm cổ phiếu để huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư tăng lên 17,21%.

Việc tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã tác động đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm 18,3%, góp phần làm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng được thuận lợi.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, các doanh nghiệp sau CPH đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Đây chính là động lực quan trọng để Bộ GTVT thực hiện thành công các mục tiêu đột phá, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.