Cần kiểm tra việc bán hồ sơ mời thầu tại Ban Quản lý dự án ĐTXD Các công trình Giao thông, thuộc UBND tỉnh Gia Lai. |
1. Cách đây tròn 3 tháng, đó là ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Đây là Chỉ thị mới nhất, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đối với chủ đầu tư, bên mời thầu phải thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định. Cụ thể, phải đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhập hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX); nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX; quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất.
Cách thời điểm ban hành Chỉ thị số 47 ban hành tròn một năm, 12/2016, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề “Gia Lai - Tiềm Năng - Hợp tác - Phát triển”, đã diễn ra tại TP Pleiku. Hội nghị này có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, các doanh nghiệp khắp nơi tìm đến Gia Lai nhằm gầy dựng cơ nghiệp... Nhân dân Gia Lai vô cùng hoan hỉ chỉ mong có thêm cơ hội để tăng thêm thu nhập, phát triển ngành nghề...
Tại cuộc nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi nhớ rõ câu mà ông dặn dò tỉnh miền núi này phải đưa ra một cam kết mạnh mẽ, minh bạch với nhà đầu tư trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh. "Động viên hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn kinh doanh sản xuất…Đặc biệt là với chính quyền cơ sở, phải hạn chế việc “trên rải thảm, dưới rải đinh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
2. Mới đây, Gia Lai xảy ra một chuyện hết sức kỳ lạ. Kỳ lạ đến nỗi đại diện một doanh nghiệp Hà Nội và cả doanh nghiệp ở Gia Lai đều phải lắc đầu ngán ngẩm thốt ra rằng: "Đi nhiều nơi, nhưng chưa có một nơi nào như ở đây". Đó là chuyện xảy ra tại Ban Quản lý dự án ĐTXD Các công trình Giao thông, thuộc UBND tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Ban CTGT).
Ban CTGT này thông tin bán hồ sơ mời thầu tại dự án “Đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông”. Hồ sơ mời thầu là điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần có để thực hiện công tác đấu thầu. Thế nhưng, có doanh nghiệp chầu chực kể từ khi mở bán hồ sơ đến ngày "đèn đỏ" cũng chẳng thể nào mua được. "Đèn đỏ" là vì nếu có mua được hồ sơ vào thời gian này cũng chẳng thể làm hồ sơ kịp và thế chẳng thể dự thầu. Người mua hồ sơ sốt sắng ráo riết tìm đến ông Lê Văn Mỹ, Trưởng phòng Kế hoạch- người được Ban CTGT giao bán hồ sơ mời thầu. Ròng rã 13 ngày, vào giờ hành chính, một doanh nghiệp dù đăng ký thông tin mua hồ sơ dự thầu nhưng không thể nào gặp được ông Mỹ.
Còn đến thời điểm "đèn đỏ", ông Mỹ và Ban CTGT Gia Lai lại đưa ra một nửa bộ hồ sơ dự thầu. Vị cán bộ ăn lương nhà nước này từ xa điện thoại cho nhân viên mang tới một nửa bộ hồ sơ mời thầu. Khi bị hỏi lý do vì sao bộ hồ sơ mời thầu chỉ có một cuốn hồ sơ dự thầu, thiếu cuốn Hồ sơ thiết kế thi công? Vị cán bộ chức vị lớn nhất trong Ban CTGT này lại nói rằng đang in thêm. Ông này còn nói thêm: "Cuốn hồ sơ thiết kế thi công" chỉ xem cho vui!
Một doanh nghiệp ở Hà Nội sau khi chầu chực tại ban này nhiều ngày đành ấm ức "không hoàn thành nhiệm vụ" trở về Hà Nội trong chuyến bay tối ngày 2/3. Ông này nói rằng lên văn phòng của ông Mỹ chẳng gặp được ông này nên ngồi chờ từ sáng đến chiều. Không gặp được nên ông nhắn tin cho ông Mỹ nhưng ông này cũng chẳng phản hồi.
Cũng đến thời gian "đèn đỏ" ấy, ông Mỹ cho nhân viên thông báo với người đại diện cho doanh nghiệp tại Hà Nội rằng: Hết hồ sơ rồi, để in thêm. Đến thứ 2 (5/3) quay lại mua hồ sơ. Vị cán bộ này chỉ còn cách ngán ngẩm thở dài nói: "Chưa có nơi nào như nơi đây!".
3. Việc thực hiện đấu thầu trong xây dựng cơ bản đối với công trình nhà nước nhằm hướng đến hiệu năng thực hiện dự án và nhằm tiết kiệm ngân sách bỏ ra. Như vậy, có nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện đấu thầu tức là càng tiết kiệm ngân sách. Thế nhưng, không hiểu lý do gì tại Gia Lai lại có một đơn vị nhà nước lại có dấu hiệu "ngăn sông cấm chợ" trong thực hiện đấu thầu dự án.
Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành, tỉnh Gia Lai cần phải làm minh bạch vụ việc "bán nửa hồ sơ mời thầu" tại Ban CTGT dưới quyền quản lý của UBND tỉnh Gia Lai. Bởi, có dấu hiệu không minh bạch, người dân sẽ nghi ngờ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đang bị nhóm lợi ích xâu xé? Các doanh nghiệp lại cho rằng đây không phải là môi trường tốt để đến.
Vậy nên, việc bán hồ sơ mời thầu tại Ban CTGT Gia Lai cần phải làm lại, làm dưới sự tôn nghiêm của pháp luật và để các doanh nghiệp có năng lực thực sự nhìn thấy cơ hội cạnh tranh bình đẳng tại tỉnh này. Và cơ hội luôn ở đó, con đường luôn trải thảm cho các doanh nghiệp chứ không phải "trên trải thảm, dưới rải đinh".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận