Giao thông

Doanh nghiệp hàng hải lại "cầu cứu" Bộ trưởng Thăng

05/08/2014, 17:18

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển diễn ra sáng nay, 5/8.

Sau Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp vận tải đầu tháng 7, sáng nay (5/8), Bộ trưởng Đinh La Thăng lại tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng hải tại Hội nghị trực tuyến tổ chức tại 5 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị
Bộ trưởng Đinh La Thăng nói "gỡ khó cho doanh nghiệp, chỉ sửa một điều trong các Thông tư, Nghị định, Bộ GTVT cũng cố gắng sửa"

“Chúng tôi sắp hết hơi”

Quá vui mừng vì được gặp và trực tiếp “kêu khó” với Bộ trưởng, ông Vũ Đức Then, Phó Chủ tịch Hội vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) nói: "6 năm qua, chúng tôi phải vật lộn với khủng hoảng, lại thêm những khó khăn do căng thẳng tại Biển đông. Thực sự chúng tôi sắp hết hơi rồi, nhà nước hãy hỗ trợ khẩn cấp cho chúng tôi", ông Then tha thiết.

"Chúng ta là quốc gia biển, phải giàu lên từ biển. Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển, đội tàu cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kết nối giữa các cảng biển, giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không.

Cùng đó, sẽ tập trung hoàn thiện văn bản quy  phạm pháp luật.  Bộ sẽ trình Chính phủ Bộ luật Hàng hải sửa đổi. Ngay sau đó, sẽ sửa đổi Nghị định, thông tư có liên quan. Gỡ khó cho doanh nghiệp thì dù chỉ sửa một điều, Bộ GTVT cũng sẽ sửa.

So với DN nước ngoài chúng ta yếu hơn, do đó, muốn cạnh tranh doanh nghiệp cảng, các hãng tàu... phải biết đoàn kết, liên kết chứ không triệt hạ nhau".

                                Bộ trưởng Đinh La Thăng

Đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quy định đánh giá, cấp Giấy chứng nhận khả năng đi biển, ông Then cho biết tàu của ông hoạt động an toàn trong vùng biển VN nhưng theo Giấy chứng nhận mà Cục Đăng kiểm VN cấp, tàu chỉ phù hợp trong vùng đi biển hạn chế III.

“Vì thế mà tàu chạy từ Hải Phòng đến Đà Nẵng không được bảo hiểm (do chạy cách bờ quá 20 hải lý). Quy định đánh giá này đã có trên 20 năm rồi, mong các cơ quan sửa đổi để chúng tôi được an tâm hoạt động” – ông Then đề nghị.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình cho rằng Giấy chứng nhận được cấp theo khả năng của tàu, tàu “gánh” được đến đâu, chạy đến đấy.  Tàu của ông Then được cấp hạn chế III, tức là chỉ được đi đến đấy thôi.

Không hài lòng với phần trả lời của Cục trưởng Đăng kiểm, Bộ trưởng Thăng nói: Nếu cứ theo quy định thì cần cuộc họp này làm gì. Đây là Hội nghị gỡ khó chứ không phải hội nghị ôn lại quy định.

“Ngay tuần sau, tôi sẽ trực tiếp làm việc với đăng kiểm để giải quyết dứt điểm về vấn đề này. Trước đây, tàu cũ, công nghệ cũ thì mình quy định thế. Giờ khác rồi thì mình phải sửa đổi cho phù hợp” – Bộ trưởng quyết luôn tại cuộc họp.

Vận tải nội địa chỉ dành cho doanh nghiệp trong nước

Nhấn mạnh hầu hết chủ tàu đều khai thác tàu dưới giá thành và chấp nhận lỗ, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu VN Đỗ Xuân Quỳnh cho biết thị trường cước phí hàng hải đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và hiện vẫn chưa thoát đáy. Một số chủ tàu đã phải cho tàu neo chờ. Khó khăn lớn nhất mà chủ tàu đang phải đối mặt hiện nay là tình trạng thiếu vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, khai thác tàu.

"Khi mua tàu, đóng tàu, các chủ tàu đều phải vay vốn của ngân hàng với lãi suất cao. Chủ tàu cần tiền để trả nợ ngân hàng, để mua nhiên liệu, trả tiền bảo hiểm, mua sắm vật tư  phụ tùng thay thế, trả lương thuyền viên… Chắc chắn nhiều chủ tàu sẽ  phá sản trong thời gian tới” – ông Quỳnh bổ sung.

Từ đây, ông Quỳnh mong muốn được Bộ, Chính phủ có chính sách cho các chủ tàu vay vốn với lãi suất thấp. Ông Quỳnh kiến nghị tạm dừng cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa. “Chủ trương này sẽ không chỉ góp phần tăng thị phần cho đội tàu VN mà còn là cách thực tế nhất giúp các chủ tàu vượt qua giai đoạn khó khăn này” – ông Quỳnh bày tỏ.

Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu VN Đỗ Xuân Quỳnh cho rằng chưa hết khó khăn, nhiều chủ tàu sẽ tiếp tục phá sản trong thời gian tới
Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu VN Đỗ Xuân Quỳnh cho rằng nhiều chủ tàu sẽ tiếp tục phá sản trong thời gian tới

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết hiện tại, đội tàu trong nước gần như đã đảm nhận tới 100% sản lượng vận tải nội địa, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…

Trong thời gian tới, theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, việc cấp Giấy phép đối với các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển nội địa sẽ được siết chặt. Đặc biệt, theo Bộ Luật Hàng hải VN (đang được sửa đổi, dự kiến sẽ được Quối hội thông qua vào năm 2016) tàu treo cờ nước ngoài tuyệt đối không được vào vận tải nội địa.

“Nguyên tắc là vận tải nội địa sẽ là độc quyền cho các doanh nghiệp trong nước. Độc quyền quốc gia, chỉ dành cho DN trong nước. Việc cấp phép cho tàu nước ngoài chỉ được thực hiện khi tàu nội không đáp ứng được yêu cầu. Nếu như năm 2012 còn gần 30 tàu nước ngoài vận tải nội địa thì đến thời điểm này chỉ còn 2 tàu” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công bổ sung.

Cảng biển lo nạn hạ giá để cạnh tranh

Khá nhiều ý kiến của các doanh nghiệp khai thác cảng tại Hội nghị bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng áp sàn giá dịch vụ cảng biển để có thể giải quyết ngay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dưới mức giá thành.

Nhiều doanh nghiệp khai thác cảng mong muốn được nhanh chóng áp mức giá sàn dịch vụ cảng biển tại Hải Phòng, TP.HCM
Nhiều doanh nghiệp khai thác cảng mong muốn được nhanh chóng áp mức giá sàn dịch vụ cảng biển tại Hải Phòng, TP.HCM

Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn kiến nghị sớm ban hành giá sàn dịch vụ cảng biển cho các cảng biển khu  vực TP.HCM và Hải Phòng. Ý kiến này lập tức nhận được sự hưởng ứng của Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng Nguyễn Hùng Việt.

“Đây là yêu cầu rất cấp thiết nhằm bình ổn thị trường, giúp các cảng có điều kiện tích luỹ đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ mà không phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như hiện nay”, ông Thuấn phân tích.

“Tại khu vực TP.HCM, container 20 feet hiện áp dụng giá rất thấp là từ 35-42 USD, đề nghị tăng lên 46 USD; container 40 feet có hàng từ 58-62 tăng lên 68 USD, container 20 feet rỗng tăng từ 18-24 USD lên 29 USD; container 40 feet rỗng tăng từ 28-34 USD tăng lên 43 USD” –ông Thuấn kiến nghị.

Đối với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Thuấn đề nghị tiếp tục áp dụng giá sàn sau khi quyết định 1661 ngày 15/3/2013 của Bộ Tài chính hết hiệu lực vào 30/6/2015 và mức giá sàn mới tại cụm cảng này phải cao hơn khu vực TPHCM ít nhất là 5%.

Tại Hải Phòng, ông Việt mong muốn quy định giá sàn xếp dỡ sớm được áp dụng vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 để có cơ sở đàm phán hợp đồng với các hãng tàu nước ngoài vào cuối năm.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng hải VN nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành giá sàn cho cụm cảng Hải Phòng và TPHCM.

Quản lý nhà nước không thể “vô cảm”

Liên quan đến đề xuất của Công ty TNHH MTV Thạnh Thới đề nghị được nới rộng thời gian chạy tàu, giảm bớt thủ tục khi thay đổi giờ chạy hoặc tăng chuyến mỗi ngày nhằm giải quyết ách tắc tại 2 đầu bến trên tuyến vận tải Hà Tiên – Phú Quốc, Bộ trưởng giao cảng vụ hàng hải Kiên Giang trả lời.

Tuy nhiên, sau  phần trả lời của đại diện cảng vụ là “chưa nhận được đề đạt của Thạnh Thới, hơn nữa, theo quy định tàu chạy tuyến phải đăng ký giờ xuất bến”, Bộ trưởng Thăng đánh giá: "Nói như thế là vô cảm".

“Do thời gian hạn chế nên hàng hoá, hành khách thường xuyên bị kẹt lại hai đầu bến, gây phản cảm và  bức xúc cho khách đi phà. Mình là quản lý nhà nước, thấy bức xúc, thấy tồn tại thì phải kiến nghị sửa đổi, hơn nữa, còn phải khuyến khích DN có sáng kiến” – Bộ trưởng chỉ rõ. Bộ trưởng yêu cầu cảng vụ Kiên Giang ngay trong tuần này phải giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Thanh Bình

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết Việt Nam hiện có 44 cảng biển các loại với khoảng 219 bến cảng với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Trong số này có 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hoá chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng, 37 tàu khách.

Cơ cấu đội tàu không hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ rất lớn, tàu chuyên dụng, tàu công-te-nơ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dẫn đến tình trạng dư thưa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ và đang thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.