Dự kiến trong tháng 9, CIENCO4 sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (Trong ảnh: CIENCO4 thi công tại gói thầu J2, cao tốc Bến Lức - Long Thành) - Ảnh: Đình Quang |
Sau khoảng hai năm chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp Nhà nước sang hình thức công ty cổ phần (CTCP), hai ông lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông là Tổng công ty XDCTGT 4 (CIENCO4) và Tổng công ty Thăng Long (TLG) đang rục rịch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh khai thác thế mạnh uy tín thương hiệu của doanh nghiệp…
Tiên phong lên sàn
CIENCO4 vừa tiến hành Đại hội cổ đông thường niên 2016. Một trong những nội dung đáng chú ý được Đại hội cổ đông thông qua là kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, đồng thời, đưa ra kế hoạch niêm yếu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào đầu Quý III/2016.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CIENCO4 cho biết, doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để phát hành thêm cổ phần, tăng vốn điều lệ của tổng công ty từ 720 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng ngay trong tháng 5. Dự kiến, trong tháng 9 chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với số lượng 100 triệu cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu), giá trị tương đương 1.000 tỷ đồng”, ông Huỳnh nói.
"Để trở thành công ty đại chúng, công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên. Đối chiếu với các quy định hiện hành, các doanh nghiệp trước đây thuộc Bộ GTVT được tiến hành cổ phần hóa từ năm 2014 nếu có đủ điều kiện là công ty đại chúng đã cơ bản phải thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán”. Đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp |
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành chuyển giao toàn bộ quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại TLG về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với số lượng 10,5 triệu cổ phần, trị giá 105 tỷ đồng. Trước đó, ngày 28/4/2014, TLG đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Đồng thời, doanh nghiệp này đã tổ chức thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị 21.600 đồng/cổ phiếu, cao gấp 2,16 lần mức giá khởi điểm. Số vốn điều lệ của TLG hiện nay khoảng 419 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc TLG cho biết: “Dự kiến, trong Quý III hoặc Quý IV năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết toàn bộ 41,9 triệu cổ phiếu, tương đương 419 tỷ đồng lên sàn giao dịch chứng khoán. Thời gian niêm yết cụ thể sẽ phải căn cứ vào thị trường và quyết định cuối cùng thuộc về HĐQT tổng công ty”.
Trong khi hai doanh nghiệp lớn trong “họ CIENCO” đã đưa ra lộ trình và bước đi cụ thể thì Tổng công ty XDCTGT1 (CIENCO1) với số vốn điều lệ hiện nay khoảng 700 tỷ đồng vẫn chưa chốt được thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Ông Cấn Hồng Lai, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 cho biết: “Theo lộ trình, đến thời điểm này, CIENCO1 lẽ ra đã phải chốt được lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay chưa thể triển khai được do doanh nghiệp còn tồn tại một số vướng mắc như: Công tác thanh tra thuế, bàn giao vốn Nhà nước tại tổng công ty chưa hoàn thành. Các cổ đông cũng chưa thống nhất được với nhau nên chưa thể xác định thời điểm niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán”.
Tương tự, ông Bùi Phi Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT6 (CIENCO6) cũng cho biết, đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa (CPH) từ tháng 6/2014, theo lộ trình trong 2 - 3 năm sau CPH sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. “Tuy nhiên, hiện nay tổng công ty vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, tổ chức lại các phòng, ban và các cổ đông chiến lược nên chưa có kế hoạch cụ thể về việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán”, ông Hùng nói.
Giao thông vẫn là chủ lực
Đánh giá về tác động của việc đưa cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, lãnh đạo của CIENCO4 và TLG đều có chung nhận định, đây là một kênh huy động vốn rất hiệu quả, đồng thời tăng cường sự minh bạch trong bộ máy quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, hiện nay toàn bộ cổ phần của CIENCO4 chủ yếu do các cổ đông nội bộ tổng công ty nắm giữ. Do vậy, khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hút các cổ đông bên ngoài để tạo thêm nguồn vốn đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. “Mặt khác, khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, một yêu cầu tất yếu là bộ máy quản lý của doanh nghiệp sẽ càng phải hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn để có lợi nhuận chi trả cổ tức cho các cổ đông”, ông Huỳnh nói và cho biết, thời gian tới, CIENCO4 sẽ mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới như: Đầu tư phát triển các khu công nghiệp, bất động sản…
Trong động thái mới nhất, tháng 4 vừa qua, CIENCO4 đã cùng với Tổng công ty Tecco thành lập Công ty CP Đầu tư bất động sản Tecco - CIENCO4 nhằm khai thác thế mạnh các quỹ đất của CIENCO4 hiện có tại TP Hồ Chí Minh, TP.Vinh (Nghệ An), Hà Nội. “Chúng tôi cũng đang tiến hành liên danh, liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp có tiềm năng. Tuy nhiên, theo định hướng phát triển doanh nghiệp của tổng công ty, lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vẫn là chủ đạo trong thời gian tới”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Tổng giám đốc TLG Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết: “Việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ giúp cho doanh nghiệp có kênh huy động vốn tốt hơn, tính thanh khoản cao, công tác quản lý bộ máy của doanh nghiệp minh bạch hơn. Hiện tại, chúng tôi cũng dự kiến mở rộng thêm một số ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông vẫn là hướng được TLG tập trung chủ yếu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận