Cienco 8 đã hoàn thành quá trình bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần- ảnh: Đoàn Văn Bửu |
Doanh nghiệp đang cân nhắc chọn thời điểm
Đánh giá về tình hình hoạt động của 10 Công ty mẹ - Tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa (CPH) trong năm 2014, gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy và Tư vấn thiết kế GTVT, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp này đã hoàn thành quá trình bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần.
Hiện, Cienco 1, 4 đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước và chuyển nhượng cổ phần với tổng giá trị 455 tỷ đồng mệnh giá. Đến nay, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cũng đã hoàn thành việc bán tiếp cổ phần (20% vốn điều lệ) cho người lao động để giảm tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước xuống còn 29%. Tổng công ty Vận tải thủy cũng dự kiến hoàn thành việc thoái vốn trong tháng 4/2015. Theo kế hoạch trong năm nay, Bộ sẽ thực hiện thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với tổng giá trị theo mệnh giá là 5.685 tỷ đồng.
Ông Minh cho biết, theo quy định, để niêm yết trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc bàn giao vốn Nhà nước tại công ty cổ phần. Với điều kiện này, hiện các tổng công ty đang làm thủ tục quyết toán và dự kiến quý II/2015 sẽ xong. Khi xong bước này, các đơn vị đã đủ điều kiện là công ty đại chúng để lên sàn UPCOM (thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết). Sau đó, nếu các doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện nữa như: Kết quả 3 năm liên tục không lỗ, không có lỗ lũy kế cả 10 Tổng công ty trên đều đủ điều kiện để lên sàn chứng khoán chính thức, niêm yết.
“Việc quyết định niêm yết trên sàn là do HĐQT quyết định. Bộ GTVT với vai trò là chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có số vốn dưới 35% phối hợp với HĐQT của doanh nghiệp để thực hiện. Còn đối với đơn vị đã thoái hết vốn Nhà nước, hoàn toàn thuộc quyền của doanh nghiệp”, ông Minh khẳng định.
Tuy nhiên, việc lên sàn sớm sẽ tạo ra tính thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Khi đó, doanh nghiệp cũng có điều kiện cung cấp nhiều hàng hóa hơn cho thị trường. Các điều kiện về hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý, quản trị cũng sẽ phải thay đổi, khoa học hơn. Điều đó có lợi cho thị trường, cổ đông.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn thành CPH trong năm 2014 đều cho biết, đang cân nhắc thời điểm để lên sàn chứng khoán. Ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long (TLG) cho biết, đơn vị sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để lên sàn sao cho hiệu quả.
“Từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tính toán để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán UPCOM”, ông Phương nói và cho biết, hiện Tổng công ty đang quyết liệt nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Tổng công ty Thăng Long cũng đang nỗ lực tái cấu trúc lại doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh và thay đổi hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, tạo sự minh bạch trong điều hành, quản lý.
Tương tự, ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco 1 cũng cho biết, dự kiến Tổng công ty cũng sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán UPCOM vào cuối năm nay.
Còn ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 lại cho rằng: “Tổng công ty chưa có ý định lên sàn trong năm nay. Tuy nhiên, trong thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ tiến hành. Hiện tại các cổ đông cũng mong muốn tập trung vào việc sản xuất, kinh doanh nghề chính để có cổ tức. Đến thời điểm sàn khả quan, kinh tế thế giới và trong nước tốt hơn, chúng tôi sẽ cân nhắc”.
Chỉ có tiến, không có lùi
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp hôm qua (10/3), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thực hiện CPH phải như đánh trận, khi thời điểm, thời cơ đến thì phải thần tốc, chỉ có tiến không có lùi. Theo Bộ trưởng, tất cả khó khăn, trở ngại đều phải được tháo gỡ kịp thời, vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ.
“Chúng ta phải thực hiện, không có bàn lùi, chỉ có tiến. Nhưng phải làm với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn, phải hoàn thành bằng được. Tài sản này chỉ được quản lý tốt, hiệu quả, không tham nhũng, thất thoát, lãng phí khi chính người dân quản lý và sử dụng”, Bộ trưởng nói và cho biết, Nhà nước chỉ quản lý những gì thuộc về an ninh, quốc phòng, buộc phải nắm giữ còn lại đều phải điều chuyển cho nhân dân làm chủ sở hữu và quản lý. Nhà nước chỉ quản lý bằng thể chế, chính sách, hiến pháp, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm tra giám sát. CPH là một xu thế tất yếu và đem lại hiệu quả rất lớn.
“Vinawaco (Tổng công ty Xây dựng đường thủy) là một ví dụ. Một doanh nghiệp trước đây suốt ngày kiện cáo, nợ lương, sau CPH, về tay doanh nghiệp tư nhân đã khác hẳn, không còn đơn kiện. Lương chỉ nửa tháng sau đã trả dứt điểm tháng trước. Hiệu quả của doanh nghiệp thể hiện trực tiếp đối với người lao động. Hiệu quả đem lại cho ngành GTVT và trên hết là hiệu quả kinh tế cho đất nước được thể hiện rõ”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Đối với SBIC, bất kỳ ai có nhu cầu mua công ty con, công ty mẹ, cần thực hiện ngay. Việc CPH không phụ thuộc doanh nghiệp khỏe hay yếu. Không lùi tiến độ CPH, trừ khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”. Bộ trưởng Đinh La Thăng ”Trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã thực hiện IPO trong năm 2014, thực hiện CPH 15 doanh nghiệp đã triển khai trong năm 2014 và tiếp tục triển khai CPH 29 doanh nghiệp”. Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp |
Trước tình hình đó, Bộ trưởng yêu cầu cần phải thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp theo đúng lộ trình. Đối với các đơn vị khó khăn như: SBIC, Vinalines phải tập trung tái cơ cấu thành công để thực hiện CPH theo đúng mục tiêu đề ra. Đối với nguồn vốn sau CPH, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cho giữ lại để phát triển hạ tầng giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận