Cần lập quy hoạch từ đại đô thị đến nông thôn
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC cho biết, giúp mọi người dân có nhà để ở, “vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà các doanh nghiệp bất động sản cần ưu tiên. Với mong muốn trở thành doanh nghiệp tiên phong tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, Tập đoàn APEC đã có văn bản nêu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC
Theo đó, Tập đoàn APEC kiến nghị cần quy hoạch từng vùng nông thôn trên cả nước, quản lý cấp phép xây dựng tại nông thôn, do đây sẽ phát triển thành các vùng đô thị trong tương lai; Quy hoạch không gian ở, công viên cây xanh, khu văn hóa tâm linh, thương mại dịch vụ, xử lý rác. Mỗi một đồ án quy hoạch cần nghiên cứu các mẫu nhà điển hình cho từng vùng miền phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo tính hiện đại nhưng vẫn phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo đơn vị này, quy định tại điểm K khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn phép xây dựng. Do đó, lãnh đạo Apec cho rằng, cần phải quản lý việc cấp phép việc xây dựng tại nông thôn. Nếu không, khi quá trình đô thị hoá "tràn" đến nông thôn sẽ rất khó khắc phục các vấn đề của đô thị như giao thông, hạ tầng, kiến trúc. Như vậy sẽ phải chấp nhận những đô thị lạc hậu, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm, để lại hậu quả cho thế hệ tương lai.
Thứ hai, doanh nghiệp kiến nghị cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Quy hoạch phải có sự đồng bộ và kết nối hạ tầng kỹ thuật với đô thị trung tâm, khu công nghiệp bằng các tuyến giao thông và các tuyến giao thông công cộng thuận lợi, giúp các cư dân tại Khu đô thị có đủ điều kiện sinh sống và làm việc. Cụ thể, tập đoàn APEC đề xuất, tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi địa phương sẽ tạo quỹ đất 3.000 - 5.000ha để làm NƠXH diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị; Các tỉnh thành khác sẽ tạo quỹ đất khoảng 10.000ha đến 20.000ha để làm NƠXH.
Thứ ba, về mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, tập đoàn APEC kiến nghị đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó từ 2021 - 2025 hoàn thành 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 6 triệu căn hộ.
Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế cho phép doanh nghiệp được chuyển đổi đất khu công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp và các loại đất khác sang mục đích đất để đầu tư khu đô thị nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch.
Nhà ở xã hội cần được coi là sản phẩm thiết yếu?
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án.
Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi nhóm kinh doanh bất động sản. Vì nhà ở xã hội là nhóm ngành có mức độ rủi ro thấp, nhu cầu lớn, không là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản.
"Thực tế phải coi nhà ở xã hội như một ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Chính sách này sẽ nâng hạn mức tính dụng cho vay, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ có các chính sách ưu tiền về nguồn vốn vay và chính sách lãi suất hấp dẫn cho cả nhà phát triển nhà ở xã hội cũng như các đối tượng để mua nhà", lãnh đạo APEC Group cho hay.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Tập đoàn APEC, Chính phủ nên xem xét tạo cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố được ưu tiên một phần vốn ngân sách của địa phương để cấp bù lãi suất cho vay thương mại mua nhà ở xã hội xuống mức 3 - 4% giúp tăng giá trị đồng vốn và tạo nguồn lực cho mua nhà ở xã hội. Mặc dù đây không phải là chính sách tiên quyết nhưng khi có chính sách này cũng sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của nhà ở xã hội.
Để tạo động lực thu hút nguồn vốn xã hội và phát triển, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội có thể IPO ngay trên thị trường chứng khoán để tận dụng nguồn vốn của xã hội. Cơ chế này tương tự như với loại hình doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ tài chính tạo các diễn đàn, hội nghị để hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp tiếp xúc và làm việc cùng các định chế tài chính trong và ngoài nước như Ngân hàng Chính sách Xã hội, Worldbank, IFC... để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển (dưới 3%/năm).
Cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội đang là vấn đề cấp thiết, lãnh đạo tập đoàn APEC mong Chính Phủ sẽ sớm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về vấn đề này để các doanh nghiệp có thể bày tỏ rõ hơn những mong muốn, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Tập đoàn APEC cho biết, đơn vị sẽ tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các "Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao" với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích đầy đủ (công viên, bể bơi, hồ điều hòa, vườn hoa chủ đề, đường riêng cho xe đạp, quảng trường, phố đi bộ, trung tâm thương mại, khu thể thao văn hóa đa năng, trường liên cấp, vườn giáo dục, trung tâm y tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý vận hành chuyên nghiệp).Tất cả các sản phẩm sẽ được phân phối theo một hệ thống quản lý thông minh đảm bảo thủ tục công khai, minh bạch, tất cả “vì một Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các sản phẩm căn hộ có diện tích căn hộ từ 25 - 70m2/căn; giá bán tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận