Bỏ tiền tỷ bù chi phí
Dẫn đầu lượng khách tham quan trên vịnh Lan Hạ, Tập đoàn Pelican có hệ thống 8 tàu ngủ các hạng khác nhau, tổng cộng khoảng 87 phòng lớn nhỏ. Các tàu này đón khách theo chương trình 3 ngày/2 đêm hoặc 2 ngày/1 đêm. Giá vé 2 ngày/1 đêm trên các du thuyền Orchid Cruise dao động từ 4,4 – 8 triệu đồng/khách; hải trình 3 ngày/2 đêm là 8,3-12 triệu đồng/khách.
Tập đoàn du thuyền Pelican Hạ Long phải chi hàng tỷ đồng để bù tiền vé phát sinh sau khi đã nhật khách từ nhiều tháng trước đó.
Một nhân viên sale cho biết, trước ngày 1/8, hơn 2/3 số phòng từ nay cho đến hết năm 2024 đều được đặt kín chỗ. Từ tháng 10 - 12 - giai đoạn cao điểm trong năm, một số tàu đã full phòng. Khoảng 40% số khách đi theo chương trình 3 ngày/2 đêm. Dù có một số du khách có thể hoàn hủy, nhưng ước tính mỗi ngày tập đoàn này đón từ 80 - 100 khách quốc tế.
Theo Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng, từ ngày 1/8, giá vé tham quan một số danh lam thắng cảnh tại TP Hải Phòng đồng loạt tăng: Vé thăm các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tăng từ 300.000 lên 400.000 đồng/khách (khoảng 30%); Vé vào vườn Quốc gia Cát Bà từ 80.000 lên 160.000 đồng/khách. Các điểm danh lam thắng cảnh khác cũng có giá vé từ 20.000 - 120.000 đồng.
Theo giá vé tham quan mới, Pelican sẽ phải chi phát sinh từ 100.000 - 150.000 đồng/khách sau khi giá vé tour 2 ngày/1 đêm trên Vịnh Lan Hạ từ 300.000 đồng tăng lên 400.000 đồng/khách và tour 3 ngày/2 đêm tăng từ 450.000 đồng lên 600.000 đồng/khách. Với số lượng trung bình từ 2.500 - 3.000 khách/tháng đã đặt chỗ từ trước 1/8, số tiền mà doanh nghiệp này phải tăng chi do giá vé lên tới cả tỷ đồng.
"Tôi không đồng tình việc tăng giá vé tham quan, nhất là sau khi vịnh Lan Hạ được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ 16/9/2023. Tuy nhiên, tăng giá phải có lộ trình để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh", ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT Pelican bày tỏ.
Điều đình để giảm thiệt hại
Tương tự, 2 tàu của Tập đoàn du thuyền Aclass là Elite of the sea và Stella of the sea cũng nhận khoảng 2.000 khách trước lúc tăng giá vé. Có nghĩa Aclass sẽ phải chi thêm 200-250 triệu đồng.
Du thuyền Elite of the sea phải chi hàng trăm triệu để bù tiền vé cho khách ngủ đêm trên Vịnh Lan Hạ.
Anh Nguyễn Văn Thao, quản lý các tàu của Aclass cho biết, với giá tour ở phân khúc cao cấp từ 5-18 triệu đồng/khách chương trình 2 ngày/1 đêm, số tiền doanh nghiệp này phải chi cho phát sinh giá vé không quá lớn. Mặc dù vậy, đa số các du thuyền phân khúc giá rẻ bị thiệt hại, bởi khoản lời lãi từ gói bán tour không nhiều.
Theo số liệu trên website của Ban Quản lý vịnh Cát Bà, hiện có 77 du thuyền ngủ đêm lớn nhỏ hoạt động trên vịnh Lan Hạ. Mỗi du thuyền thông thường đều có từ 5 - 20 phòng. Như vậy, số tiền phát sinh mà các công ty du lịch phải chi trả lên tới vài chục tỷ đồng.
Trước quyết định của TP Hải Phòng, nhiều công ty du lịch phải tìm cách xoay xở nhằm giảm bớt thiệt hại.
Là công ty chuyên tổ chức tour trekking xuyên vườn Quốc gia Cát Bà, Aroma Viet Nam Travel may mắn không bị đội chi phí sau khi điều đình thành công với khách. Đơn vị này trước đó nhận tổ chức tour cho đoàn 50 khách với mức giá 750.000 đồng/khách, đã bao gồm 80.000 đồng giá vé vào vườn Quốc gia Cát Bà. Tuy nhiên, theo quy định mới, giá vé từ ngày 1/8 đã tăng lên 160.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Nhâm, đại diện Aroma Viet Nam Travel cho biết đã tìm cách trao đổi thiện chí với khách về khoản tăng bất khả kháng. Đoàn khách đã nhất trí trả thêm 80.000 đồng/ người.
Khó thương thảo với khách ngoại
Tương tự, chủ nhà hàng Bảo Ngọc Đoàn Xuân Lâm cho biết, từ giữa tháng 6 đã nhận tổ chức tham quan cho đoàn 160 khách vào ngày 3/8 ở làng chài Việt Hải. Ngoài chi phí ăn, ngủ, thuê tàu, anh Lâm cũng thu 80.000 đồng/khách tiền vé tham quan vịnh Lan Hạ. Sau khi nhận được thông báo tăng giá vé tham quan lên 120.000 đồng, anh thảo luận lại với khách và cũng nhận được sự chia sẻ.
Vé thăm vườn Quốc gia Cát Bà tăng từ 80.000 đồng lên 160.000 đồng/vé người lớn.
Các công ty có tàu chạy tiếng thuận lợi hơn trong việc đàm phán về việc tăng giá vé, vì họ phục vụ chủ yếu khách lẻ, book cận ngày. Có khoảng 30 đơn vị lữ hành như vậy hoạt động trên vịnh Lan Hạ như: Cát Bà Panorama Travel, Hồng Vân Cruise, Cát Bà Bay, Cát Bà Gem, Beka Travel... Mỗi công ty tùy theo quy mô, có thể tổ chức tham quan từ 50 - 400 khách/ngày.
So với một số hạng mục khác, vé tham quan vịnh Lan Hạ theo ngày (đi tàu tiếng) tăng không quá cao, 40.000 đồng/khách. Mặc dù nhận được thông báo tăng giá vé chỉ hơn 10 ngày trước thời điểm có hiệu lực, hầu hết các tour khách ngày tại Cát Bà đều thương thảo được với khách bởi đa phần là khách người Việt. Song các công ty đưa khách nước ngoài tới Lan Hạ phải gánh toàn bộ chi phí phát sinh.
Khách vẫn đông dù giá vé tăng
Mặc dù có mức tăng cao nhất (gấp đôi, từ 80.000 lên 160.000 đồng/lượt tham quan), song từ ngày 1/8 - 7/8, lượng du khách đến thăm vườn Quốc gia Cát là 3.720 người, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết, mức tăng 80.000 đồng/vé/khách vẫn thấp hơn đề xuất trước đó là 250.000 đồng/vé/khách (tăng tới 170.000 đồng, gấp 3 lần).
"Việc tăng giá vé không phải nhằm tận thu, mà mục đích để bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới", ông Thịu nói và giải thích: Thực tế hiện nay, mỗi ngày Vườn Quốc gia Cát Bà đón trung bình hơn 500 du khách, điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái tại đây. "Quan điểm của chúng tôi, Vườn Quốc gia Cát Bà không cần đón quá nhiều khách vì đang đứng trước nguy cơ quá tải. Lượng du khách quá lớn tác động không tốt đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn", ông Thịu chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận