Hiện VEC đã và đang đầu tư gần 600km đường cao tốc (Trong ảnh: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Ảnh: Tạ Tôn |
Các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP sẽ tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại “trói chân” những doanh nghiệp Nhà nước có năng lực và kinh nghiệm quản lý đầu tư các dự án cao tốc.
Doanh nghiệp tiên phong làm cao tốc bị loại từ vòng ngoài
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công- tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, những dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đều phải đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Các doanh nghiệp nước ngoài đều có cơ hội đấu thầu trên tất cả các đoạn tuyến. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, theo quy định của Nghị định 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp có trên 30% vốn chủ sở hữu của Nhà nước sẽ không được tham gia đấu thầu.
Cụ thể, tại Điều 6, Luật Đấu thầu 2013 quy định, nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu. Đồng thời, Khoản b, Điều 2, Nghị định 30/2015 cũng nêu: “Nhà đầu tư tham dự thầu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau”.
Trao đổi với Báo Giao thông, một số nhà đầu tư lớn trong nước cho biết, với quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 30/2015, nhà đầu tư gần như bị “truất quyền” ngay trên “sân nhà” khi không được phép tham gia các dự án do cơ quan cấp trên của mình làm chủ đầu tư. Trong khi đó, bản thân họ là những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có bề dày hoạt động trong lĩnh vực của dự án, điều này sẽ làm mất đi cơ hội của cả Nhà nước và phía nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án PPP.
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) chia sẻ, hiện VEC đã và đang đầu tư gần 600km đường cao tốc, gồm các dự án: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các dự án của VEC đầu tư khi hoàn thành, đưa vào khai thác đều phát huy hiệu quả rõ rệt.
“Chúng tôi là đơn vị tiên phong trong đầu tư cao tốc và đã có nhiều kinh nghiệm, năng lực trong công tác quản lý đầu tư các dự án cao tốc, nhưng nếu không được tham gia đấu thầu vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là rất vô lý và Nhà nước cũng lãng phí một nguồn lực rất lớn”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, VEC đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ xem xét để có cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, vừa tạo điều kiện cho những doanh nghiệp Nhà nước có năng lực thực sự tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Chiến lược của VEC là sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu cạnh tranh các dự án cao tốc một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư khác trên tinh thần đảm bảo tính công khai, minh bạch. Về mặt cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ chúng tôi cũng đã kiến nghị để tháo gỡ các vướng mắc”, ông Tuấn Anh nói.
Tương tự, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) cũng khẳng định, với quy định hiện hành, chắc chắn các doanh nghiệp Nhà nước có năng lực và kinh nghiệm đầu tư, quản lý các dự án cao tốc như VEC và Tổng công ty Cửu Long sẽ không thể tham gia vào các dự án cao tốc Bắc - Nam, kể cả quản lý dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Tôi được biết, hiện nay, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015, trong đó có liên quan đến quy định doanh nghiệp vốn Nhà nước được tham gia đầu tư vào các dự án PPP, tuy nhiên, kết quả cụ thể vẫn chưa rõ”, ông Quang chia sẻ.
Có nên “cởi trói”?
Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2015, trong đó, quy định theo hướng cho phép các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh nhưng với điều kiện tỷ lệ phần vốn Nhà nước trong liên danh nhỏ hơn 51% (đại diện phần vốn tham gia của Nhà nước không có quyền quyết định dự án đầu tư trong liên danh).
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nếu sửa đổi Nghị định 30/2015 theo hướng cho phép doanh nghiệp Nhà nước tham gia đầu tư vào các dự án PPP, trường hợp VEC hoặc Tổng công ty Cửu Long trúng thầu, các doanh nghiệp này lấy tiền Nhà nước để làm sẽ không thật sự đảm bảo khách quan của dự án PPP.
“Tuy nhiên, việc hai doanh nghiệp lớn và có nhiều kinh nghiệm này không được tham gia vào các dự án cao tốc Bắc - Nam rõ ràng là sự lãng phí lớn về nguồn lực. Đây là vấn đề bất cập mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để xử lý hài hòa”, ông Trường nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, để tiến hành đấu thầu quốc tế, huy động các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam, trước hết cần phải xem xét các điều kiện và hành lang pháp lý. Phải có một hàng rào pháp lý đảm bảo thì lúc đó mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài, không thể thu hút nguồn vốn bằng mọi cách.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, nhưng riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông thì chưa. Bây giờ, chúng ta tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam mà loại bỏ những doanh nghiệp Nhà nước có năng lực và kinh nghiệm ra khỏi cuộc chơi là lãng phí nguồn lực. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng khi quyết định phương án cuối cùng”, ông Long nói.
“Những tồn tại, hạn chế của các dự án BOT giao thông, bao gồm vấn đề lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian qua đã được chỉ rõ trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án khả thi nhất bây giờ là chúng ta phải rà soát, xem xét lại những vấn đề gì còn thiếu sót, hạn chế đã được chỉ ra để bổ sung, hoàn thiện khi tiến hành lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Long nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận