Cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ giúp giải quyết bài toán nguyên liệu phục vụ cho sản xuất |
Cơ hội duy trì, phát triển ngành đóng tàu
Bộ Tài nguyên & Môi trường đang khẩn trương lấy ý kiến góp ý Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ nếu đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Trên thực tế, tại VN, từ những năm 1960, nghề phá dỡ tàu cũ được coi là một ngành kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, thu hút hàng nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hoạt động này chỉ bị suy yếu và chấm dứt sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, cụ thể là Điều 42 của Luật này, quy định rõ cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện để phép dỡ.
Cũng chính quy định này của Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã “bó tay” không ít chủ tàu khi tàu nằm neo đậu dài ngày nhưng vì treo cờ quốc tịch nước ngoài (dù thuộc sở hữu Việt Nam) và nếu muốn phá dỡ thì buộc phải xuất khẩu.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, việc Luật Bảo vệ Môi trường vừa được Quốc hội thông qua cho phép việc phá dỡ tàu biển sẽ mang lại lợi ích lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn, theo ông Nhật, điều này sẽ tạo ra các giải pháp, cơ hội tiếp tục duy trì ngành công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn để từng bước phục hồi và phát triển theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển.
Bên cạnh những lợi ích nói trên, ông Nhật cũng thừa nhận việc cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ cũng có thể tiềm ẩn những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) Dương Thanh An cho biết, theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, để được nhập khẩu tàu biển cho phá dỡ, doanh nghiệp phải có hồ sơ về bảo vệ môi trường (gồm bản kê khai tình trạng tàu và bản cam kết của tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng đảm bảo đáp ứng quy chuẩn môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường của cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp...), đồng thời bắt buộc phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường.
Tháng 5/2009, Hội nghị ngoại giao của Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Công ước quốc tế Hồng Kông về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện với môi trường. Mục tiêu của công ước là tàu biển được phá dỡ, tái chế sau khi đã hết thời hạn khai thác sẽ không tạo ra rủi ro cho an toàn, sức khỏe con người và môi trường thông qua việc hướng dẫn lập bản kê danh mục vật liệu nguy hiểm, danh mục loại tàu, quy trình phá dỡ, tái chế tàu, yêu cầu về cơ sở hạ tầng dưới sự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. |
Phía Bộ GTVT, Cục trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn tất Dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
“Dự thảo Nghị định quy định rõ đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và doanh nghiệp phá dỡ, tái chế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm mục tiêu là tàu biển được phá dỡ, tái chế sau khi đã hết thời hạn khai thác sẽ không tạo ra rủi ro cho an toàn và sức khỏe con người và môi trường thông qua việc hướng dẫn lập bản kê danh mục vật liệu nguy hiểm, danh mục loại tàu, quy trình phá dỡ, tái chế tàu, yêu cầu về cơ sở hạ tầng dưới dự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Nhật khẳng định.
Theo dự thảo Nghị định, tổ chức, cá nhân chỉ được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ nếu là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Sau ba năm kể từ ngày được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51%. Có cơ sở phá dỡ tàu biển nằm trong hệ thống quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển Việt Nam, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê cơ sở phá dỡ.
Ngân Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận