Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công |
Sáng nay (23/11), với 421/438 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 85,74% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công.
Đáng lưu ý, trong Luật lần này, Quốc hội quyết định không quy định nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi nợ công. Theo quan điểm của Uỷ ban TVQH, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.
Giải trình tiếp thu dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật, theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong Luật.
Đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước. Có ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành, bổ sung cơ chế phối hợp và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”.
Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công. Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo luật, nội dung này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định trong Dự thảo luật là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, đồng thời giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…
Về chỉ tiêu an toàn nợ công, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia vì 2 chỉ tiêu này bao gồm cả khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức khác; đề nghị bổ sung chỉ tiêu nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước và nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối quốc gia; nợ công bình quân trên đầu người.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đúng như ý kiến các vị ĐBQH đã nêu, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả các khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp, không thuộc phạm vi nợ công.
Tuy nhiên, đây là 2 chỉ tiêu quan trọng, thể hiện mức độ an toàn nợ nước ngoài của cả nền kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều sử dụng 2 nhóm chỉ tiêu là quy mô nợ (nợ Chính phủ/GDP, nợ công/GDP,…) và chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ (nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu NSNN hoặc nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/tổng kim ngạch xuất khẩu) nhằm phản ánh quy mô nợ và khả năng trả nợ của quốc gia.
Hệ thống các chỉ tiêu này một mặt vừa đảm bảo tính ổn định trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát an toàn nợ công, mặt khác đảm bảo tính đồng nhất theo thông lệ để so sánh với các quốc gia trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận