Doanh nghiệp

Doanh nghiệp niêm yết khóc, cười vì tỷ giá

02/11/2016, 07:01

Trong khi cổ đông nhiều doanh nghiệp niêm yết vui vì chênh lệch tỷ giá giúp BCTC quý III “lội ngược dòng”...

3

PPC nằm trong số những doanh nghiệp nhiều năm nay “đau đầu” vì tỷ giá

“Méo mặt” vì vay đồng Yên, USD

Quá quen với việc chênh lệch tỷ giá “ăn” vào lợi nhuận của công ty cả chục năm nay, các cổ đông của Công ty Cổ phần (CTCP) Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) không bất ngờ khi quý III/2016, PPC tiếp tục thông báo tin buồn về kết quả kinh doanh. Theo BCTC quý III của công ty có mức vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng này, lãi sau thuế cả quý chỉ 676,2 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 74,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm nay, công ty lỗ 348 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2015 lãi 443,4 tỷ đồng.

Giải trình kết quả kinh doanh ảm đạm, PPC cho biết, ngoài yếu tố sản lượng điện thấp còn có nguyên nhân lỗ chênh lệch tỷ giá 89 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ chênh lệch tỷ giá tới 84,6 tỷ đồng. Dù mức lỗ tỷ giá không cao như 6 tháng đầu năm nay là 672,6 tỷ đồng hay năm ngoái là 213,6 tỷ đồng nhưng cũng đã bào mòn lợi nhuận của công ty và quyền lợi của các cổ đông. PPC cũng cho biết, dư nợ vay hợp đồng dài hạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN (Công ty mẹ vay lại hợp đồng vay vốn của JBIC) đến thời điểm 30/9 còn lại 21,35 tỷ yên. Công ty cũng đã đánh giá lại khoản nợ vay gốc có ngoại tệ đồng thời trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá theo quy định.

Một công ty nhiệt điện khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND) khi vay vốn dài hạn chủ yếu bằng đồng USD và yên Nhật. Tính đến 30/9, dư nợ vay và nợ thuê tài chính của HND là 11.404 tỷ đồng, trong đó 9.507 tỷ đồng là khoản vay dài hạn. Dù đã giảm dần nợ gốc nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá quý III năm nay vẫn lên tới 77,7 tỷ đồng. Mặc dù lỗ chênh lệch tỷ giá đã giảm mạnh so với quý III năm trước là 397,3 tỷ đồng nhưng vẫn khiến HND quý III này lỗ 192,5 tỷ đồng. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này cũng đã chiếm tới gần 2/3 chi phí tài chính của cả quý và trở thành rủi ro lớn nhất của công ty.

Dù lãi sau thuế quý III năm nay là 164,7 tỷ đồng nhưng cổ đông của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2) cũng không mấy vui vẻ khi BCTC quý III năm nay công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 24,8 tỷ đồng. Điều an ủi các nhà đầu tư là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá quý này giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 là 108,5 tỷ đồng do công ty đã phân bổ hết lỗ chênh lệch tỷ giá giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 vào chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm 2015. Chính vì thế, cổ đông của công ty kỳ vọng mục lỗ tỷ giá sẽ không còn trong báo cáo các kỳ sau.

Điều đáng nói, trong vòng 4-5 năm trở lại đây, năm nào 3 doanh nghiệp nói trên cũng đều nằm trong danh sách bị “soi” về tác động của tỷ giá đến kết quả kinh doanh.

Vay Euro “ăn đủ”

Ngược lại với các doanh nghiệp đang vay USD và yên Nhật, cổ đông các đơn vị vay vốn bằng euro lại âm ỉ vui mừng khi đọc BCTC quý này. Đơn cử như CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM) - đang có dư nợ vay dài hạn tính đến 30/9 quy đổi là 4.670 tỷ đồng. Song cũng chính khoản vay bằng ngoại tệ này đã “tô hồng” cho BCTC quý này của DCM khi công ty lãi 122,5 tỷ đồng nhờ tỷ giá. Điều này lật ngược tình thế giúp công ty từ lỗ do hoạt động kinh doanh chính nhưng khi bù trừ kế toán thì vẫn lãi quý III gần 33 tỷ đồng và lãi lũy kế 9 tháng 383 tỷ đồng.

Không đảo ngược tình thế như DCM nhưng cổ đông của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) cũng vui mừng khi tính đến 30/9 khoản vay dài hạn 9,8 triệu euro chỉ lỗ chênh lệch tỷ giá 1,65 tỷ đồng so với con số cùng kỳ năm ngoái là 21 tỷ đồng. Điều này góp phần tăng lãi cho công ty lên 53 tỷ đồng trong quý III, tăng hơn 4.000% so với 1,31 tỷ đồng quý III năm ngoái. Tính chung 9 tháng, BCC lãi sau thuế 172 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm ngoái.

Một trường hợp khác là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (mã chứng khoán HT1) cũng ghi nhận đóng góp tích cực của khoản vay ngoại tệ khi lỗ chênh lệch tỷ giá đã giảm mạnh từ 83 tỷ đồng quý III/2015 còn 10,5 tỷ đồng quý này. Điều này đã làm tăng lợi nhuận sau thuế của công ty lên 258 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với  cùng kỳ 2015...

Câu chuyện lỗ, lãi vì vay ngoại tệ của các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ đã được đề cập nhiều năm nay và đến mỗi kỳ báo cáo tài chính lại được giới đầu tư soi xét. Tuy nhiên, theo các phân tích, để khẳng định biến động của tỷ giá tác động như thế nào tới doanh nghiệp thì phải xét trong mối tương quan so sánh về chi phí thực tế giữa việc vay nội tệ và vay ngoại tệ cộng với mức độ biến động tỷ giá. Ví dụ, PPC vay nợ từ tháng 12/2006. Từ năm 2006-2011, tỷ giá VND/yen tăng từ 134 VND/yen lên 270 VND/yen, PPC sẽ lãi “khủng”. Đến ngày 31/10/2016, tỷ giá này ở mức 213,97 VND/yên, PPC sẽ lỗ lớn trong giai đoạn 2012-2016.  Do vậy, nếu tính từ thời điểm vay vốn, tỷ giá VND/yên tăng 60%, tương đương 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất vay yên (đã gồm cả phí) chỉ 2,45%/năm. Nếu tính trung bình lãi suất trong cả giai đoạn này khoảng 10%/năm thì chi phí vay vốn bằng yên (8,45%/năm) vẫn thấp hơn so với vay vốn bằng VND. Chính vì thế, những khoản lỗ, lãi này mới chỉ là khoản lỗ, lãi kế toán chứ chưa phải “tiền tươi, thóc thật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.