Giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei bị nghi ngờ mang yếu tố chính trị hơn là pháp lý hoặc tài chính |
Và vụ việc này cũng dấy lên cuộc tranh luận ở Trung Quốc về cách Washington thực thi luật pháp Hoa Kỳ khi muốn vận dụng để chống lại các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài.
Vỏ bọc quyền bá chủ của Hoa Kỳ
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 17/12 cho rằng, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu là trường hợp mới nhất thể hiện quyền tài phán nối dài của Washington, một quyền lực thường bị chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án là vỏ bọc thể hiện tư tưởng bá chủ và đế quốc của Hoa Kỳ.
Trong đó, quyền tài phán nối dài được hiểu là khả năng của một quốc gia để thực thi luật pháp và quy tắc của họ đối với các thực thể của quốc gia khác, thường thông qua các tòa án.
Đại diện Công ty Luật Zhong Lun nói rằng, lựa chọn tốt nhất để đối phó với quyền tài phán nối dài của Hoa Kỳ là các công ty Trung Quốc tại nước ngoài nên chủ động đánh giá các rủi ro với sự giúp đỡ chuyên nghiệp của luật sư để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của Mỹ. |
Ông Jerry Fang từ Công ty Luật Zhong Lun (ở Bắc Kinh) cho rằng, Hoa Kỳ đã gây ảnh hưởng như vậy đối với các công ty nước ngoài thông qua kiểm soát xuất khẩu, đánh giá các mối đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực đón đầu tư nước ngoài, chống rửa tiền và chống tham nhũng, gián điệp thương mại và các quy định về chứng khoán.
Còn theo chuyên gia luật của Đại học Sydney Ling Bing, quyền tài phán nối dài chủ yếu được coi như một quan niệm chính trị, vì việc thi hành luật thường gây tranh cãi khi không có định nghĩa rõ ràng trong luật quốc tế.
Ông Ling cho biết, Trung Quốc và các nước châu Âu đã chấp nhận thực thi quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với các thực thể nước ngoài trong luật chống độc quyền hoặc cạnh tranh. Tuy nhiên, động thái này vẫn còn gây tranh cãi khi được áp dụng đối với các hoạt động kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt kinh tế đơn phương, mà chủ yếu chỉ được thực thi bởi Mỹ.
Đề cập tới vụ việc của Huawei vừa qua, ông Ling cho rằng, rất có thể, vụ bắt giữ này còn liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cùng quan điểm này, G.S. Zhiqun Zhu của Đại học Bucknell (ở Pennsylvania, Mỹ) cho rằng, vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei là một vụ án mang ý nghĩa địa chính trị hơn là pháp lý hoặc tài chính. Theo ông Zhu, Chính phủ Mỹ từ lâu đã coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia nên việc bắt giữ Huawei chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cũng vì lẽ đó, việc tăng sức ép, nhờ Canada bắt giữ bà Mạnh vào đúng thời điểm này được cho là chủ ý của phía Mỹ để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán thương mại có thời hạn trước 1/3/2019.
Giáo sư Zhu cũng cho rằng, việc bắt giữ ở Canada cũng không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi đây là một động thái được tính toán cẩn thận khi đồng minh Ottawa cũng coi Tập đoàn Huawei như một mối đe dọa an ninh và kiểu liên minh quốc tế này sẽ gây thêm áp lực cho Trung Quốc.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thể làm gì?
Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung - Mỹ tại Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, ông Zhao Xiaozhuo cho rằng, các công ty Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài từ nay về sau sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Bởi, vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei đã cho thấy Hoa Kỳ đang chủ động hơn trong việc mở rộng quyền tài phán đối với các công ty nước ngoài, đích ngắm hiện giờ đang là các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Sự kiện này cũng cho thấy rõ một trật tự thế giới xoay quanh trục của siêu cường Mỹ đứng đầu thế giới về sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự.
Còn theo ông Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, quyền lực tối cao toàn cầu của Washington có được là nhờ ảnh hưởng của nước này trong hệ thống tài chính thế giới, trong đó đồng USD được chấp nhận phổ biến như loại tiền tệ dự trữ của thế giới và được sử dụng trong thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, thanh khoản bằng USD là một trong những yếu tố chính thúc đẩy Hoa Kỳ có một mạng lưới tổ chức tài chính đa quốc gia, qua đó họ có thể lấy thông tin cần thiết cho mục đích riêng của mình, bà Jane Jiang từ Công ty Luật quốc tế Allen & Overy nói thêm rằng, không có quốc gia nào khác có khả năng đó.
Giới phân tích cho rằng, tất cả những phân tích trên đều cho thấy, nhiều giám đốc điều hành của các công ty Trung Quốc, các quan chức Chính phủ hoặc nhà nghiên cứu trong các tổ chức được Chính phủ Bắc Kinh hỗ trợ có thể phải chịu các loại cáo buộc khác nhau từ Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận