Ghi nhận nộp thuế điện tử giúp tiết kiệm thời gian, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nộp thuế qua phương thức này - Ảnh: B.C.P |
Nộp thuế điện tử sẽ phát sinh phí chuyển khoản
Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinacam khi trao đổi với PV Báo Giao thông về việc cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải nộp thuế điện tử từ 1/12 cho biết, DN hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên. “Nộp thuế điện tử là chủ trương tốt. Cải cách này của ngành Thuế giúp DN tiết kiệm thời gian, bớt thủ tục rườm rà”, ông Hải nói. Theo thông tin cụ thể hơn từ cán bộ phụ trách kế toán của công ty, Vinacam đã nộp thuế điện tử từ cách đây khá lâu. Do đó, nếu Bộ Tài chính yêu cầu các DN bắt buộc nộp thuế điện tử từ 1/12 thì với Vinacam là “hoàn toàn không có vấn đề gì”.
Về quy trình thực hiện nộp thuế điện tử, cán bộ kế toán Vinacam cho biết, nhân viên của công ty chỉ cần truy cập địa chỉ website của cơ quan thuế, đăng ký. Sau khi cơ quan thuế có phản hồi qua email, DN in thông tin để chuyển cho ngân hàng và tiến hành chuyển khoản. “Tất nhiên là DN sẽ phải chịu phát sinh thêm một khoản phí chuyển khoản nhưng khoản này không đáng kể”, cán bộ này nói và cho biết thêm, việc nộp thuế điện tử yêu cầu DN phải có sẵn tiền mặt trong tài khoản. Điều này cũng sẽ giúp DN có kế hoạch kinh doanh và quản lý dòng tiền tốt hơn.
Vinacam là một trong số gần 170 nghìn DN tại TP HCM đăng ký và nộp thuế điện tử, chiếm tỷ lệ 98% DN trên địa bàn. Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 10 đã có 104.922 DN khai thuế qua mạng, đạt tỷ lệ 98,3% số DN hoạt động. Tính chung cả nước, theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến ngày 26/10, có 98% số DN đang thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế điện tử và có 90% DN đăng ký nộp thuế điện tử qua ngân hàng thương mại.
Sẽ không có tình trạng nghẽn mạng
Tuy số đăng ký kê khai nộp thuế qua mạng lớn nhưng số DN thực hiện không đạt được tương ứng. Như tại TP HCM, số thuế nộp qua phương thức này chỉ khoảng 14 nghìn tỷ đồng trong tổng số khoảng 100 nghìn tỷ đồng thuế mà các DN phải nộp. Tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội) cũng cho biết, con số thực hiện nộp thuế điện tử cũng không tương đương với con số DN đăng ký kê khai hồ sơ.
Về lý do, theo giải thích từ Cục Thuế TP HCM, sở dĩ tỷ lệ DN đăng ký cao nhưng nộp thấp là do yếu tố tâm lý. Các DN còn ngại sự cố trong quá trình nộp nên mới chỉ “rón rén” nộp một phần nhỏ. Hoặc do vấn đề nội bộ của DN nên việc sử dụng chữ ký số chưa rộng rãi dẫn tới DN chưa thực hiện nộp thuế điện tử. Đại diện Cục Thuế TP HCM cho rằng, các DN cần vượt qua rào cản tâm lý, mạnh dạn nộp thuế điện tử để hưởng lợi ích mà cách thức nộp thuế hiện đại này mang lại.
Về lo ngại của DN trong quá trình nộp thuế sẽ xảy ra tình trạng nghẽn mạng, bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, Hà Nội hiện có 20% số DN trên cả nước đăng ký nộp thuế qua mạng nên Cục Thuế TP đã quyết liệt trong triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý thuế. “Cũng không phải tất cả các DN đều cùng nộp thuế trong một thời điểm. Do đó, khó có thể có tình trạng nghẽn mạng”, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng khuyên các DN nên thực hiện nghĩa vụ sớm để được phục vụ một cách nhanh nhất, không nên để dồn ứ đến hạn chót.
Theo mục tiêu Chính phủ giao, đến cuối năm 2015 phải có 90% DN thực hiện nộp thuế điện tử. Do đó, từ ngày 1/12 tới đây, Bộ Tài chính yêu cầu toàn bộ DN sẽ phải nộp thuế điện tử. Điều này có nghĩa ngân hàng sẽ không nhận nộp thuế bằng tiền mặt sau thời điểm này. Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ trình Chính phủ dự thảo quyết định của Thủ tướng về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và xây dựng các đề án hiện đại hóa thủ tục đối với cá nhân như: Khai nộp thuế điện tử, lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô, xe máy, nộp thuế điện tử các khoản thu thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản; Ủy nhiệm cho tổ chức kinh tế thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận