Thị trường

Doanh nghiệp “sống khỏe” giữa đại dịch nhờ biết chớp thời cơ

23/05/2020, 12:21

Những doanh nghiệp nhanh nhạy, chớp được thời cơ không chỉ sống sót mà còn sống tốt trong cơn đại dịch.

img
Nhiều doanh nghiệp dệt may đứng trước cơ hội xuất khẩu khẩu trang hiếm có khi thế giới vẫn đang vật lộn với dịch Covid-19

Trong lúc nhiều đơn hàng may mặc phải dừng vô thời hạn thì mặt hàng khẩu trang lại đứng trước cơ hội hiếm có khi thế giới vẫn đang phải vật lộn với dịch bệnh Covid-19. Những doanh nghiệp nhanh nhạy, chớp được thời cơ không chỉ sống sót mà còn sống tốt trong cơn đại dịch.

Đàm phán qua mạng, chất lượng hàng đầu...

Là đơn vị có 10 năm kinh nghiệm trong ngành may mặc, Công ty TNHH May - Xuất nhập khẩu Trường Tiến đã tất bật với những đơn hàng xuất ngoại trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm cách xoay chuyển thị trường.

Ông Hoàng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH May - Xuất nhập khẩu Trường Tiến chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Dự đoán thị trường khẩu trang sẽ bão hòa khi dịch được kiểm soát và rất nhiều doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này, chúng tôi đã xác định cách duy nhất để sống được là phải nổi bật về chất lượng”.

Theo ông Tiến, Công ty đã cẩn trọng, kỹ càng trong từng khâu, từ xây dựng mô hình sản xuất đến chọn nguyên liệu. Ví dụ như kiểm chứng loại vải gồm thành phần gì, có tác dụng gì cho sức khỏe, kiểm nghiệm ở đâu… Thuận lợi ở chỗ, khi nhu cầu khẩu trang của thế giới đang tăng cao, đối tác chỉ cần đạt yêu cầu kiểm tra tại nước họ mà chưa cần hoàn thiện hồ sơ tiêu chuẩn theo quy định quốc tế.

“Đây là cơ hội hiếm có doanh nghiệp cần tận dụng, không những tạo mối quan hệ lâu dài mà còn là thời điểm tốt nhất quảng bá sản phẩm. Song, nó chỉ dành cho những doanh nghiệp xây dựng quy mô sản xuất đạt chuẩn. Quy mô này đơn giản được hiểu là máy móc hiện đại phù hợp với thiết kế, chất lượng sản phẩm có tiêu chuẩn cao trong nước, hiểu biết thị trường…”, ông Tiến nói.

Chất lượng đảm bảo, lại nhờ mối quan hệ uy tín 10 năm nay, ông Tiến cho biết, ngay từ khi nhu cầu khẩu trang tại Việt Nam khan hiếm từ cuối tháng 1, bên cạnh việc sản xuất để bán trong nước, công ty đã nghiên cứu, hoàn thiện và lập hồ sơ sản phẩm, tạo những bài thuyết trình sinh động, logic để mời chào các đối tác nước ngoài thông qua hình thức đàm phán qua mạng.

Hiện, công ty đã xuất khẩu đi 7 nước lớn như: Pháp, Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hà Lan, Ý, Singapore. Những đối tác này đều là những đơn vị làm ăn trước đó trong ngành dệt may và họ đều mua sản phẩm về thử nghiệm độ an toàn theo tiêu chuẩn nước họ, sau đó mới tiến hành việc đặt đơn hàng.

“Kể từ tháng 4, khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước dừng hẳn nên chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Hiện, xưởng đang chuẩn bị cho đơn hàng 1 triệu chiếc khẩu trang sẽ được giao cho đối tác tại Pháp trong 20 ngày tới”, ông Tiến khoe.

Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cũng cho rằng, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để xuất khẩu khẩu trang và cần tận dụng khéo léo những mối quan hệ sẵn có để chốt hợp đồng.

“May 10 vừa được đối tác Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và đối tác của Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được đơn hàng khoảng 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Cũng đã có khách hàng đặt chúng tôi 2 triệu bộ đồ phòng, chống dịch…”, ông Việt thông tin.

Cũng theo ông Việt, dù không có sẵn dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế nhưng tổng công ty đã ngay lập tức đặt mua để kịp thời giao hàng đúng hẹn nhằm “gỡ” thiệt hại khi hàng may mặc chưa thể xuất.

“Đa số những công ty xuất khẩu được đều nhờ vào những mối quan hệ uy tín trước đó trong ngành Dệt May và từ đó chất lượng sẽ lan tỏa, nhờ đó có thể đưa khẩu trang thành một sản phẩm mới chiến lược lâu dài của doanh nghiệp”, ông Việt lạc quan.

Sống tốt nhờ xuất khẩu

Ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 4 tháng vừa qua, ngành Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là sự đứt gãy toàn thị trường từ cung cấp đến tiêu thụ.

Theo ông Trường, vượt qua giai đoạn cam go này, tập đoàn đã chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế… với tất cả các công ty thành viên và đi đầu trong việc đưa những mặt hàng này ra thị trường thế giới.

“Tính tới đầu tháng 5, tập đoàn đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm khẩu trang tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu trên 50 triệu ra nước ngoài. Bằng việc tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động hiện có để lấn sân sang sản xuất các mặt hàng bảo hộ cá nhân PPE giàu tiềm năng, tập đoàn đã giải quyết được khoảng 20% nhu cầu công việc cho người lao động trong khi hoạt động xuất khẩu các mặt hàng may mặc hầu như đứng yên”, ông Trường nói.

Ông Trường cũng chia sẻ, việc sản xuất khẩu trang đã giúp các doanh nghiệp dệt may của tập đoàn tiếp tục quy trình sản xuất và tạo thu nhập cho người lao động trong thời gian khó khăn dồn dập của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo thông tin từ thương vụ đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhu cầu khẩu trang tại nhiều nước vẫn đang tăng cao, do đó, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tạo điều kiện kết nối thúc đẩy sản xuất khẩu trang. Song, bên cạnh chất lượng, giá cả sản phẩm và vấn đề pháp lý, các công ty xuất khẩu khẩu trang Việt Nam cần xem xét lưu ý thêm khía cạnh dịch vụ cung ứng để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt hơn.


Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, có thể bố trí người lao động làm 3 ca khi có nhu cầu và nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40h/tuần thay vì 54h/tuần như trước…

Kết quả rõ nhất đó là toàn bộ hệ thống Vinatex chưa phải ngừng sản xuất và vẫn duy trì được việc làm cho toàn bộ người lao động mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 giảm xấp xỉ 2%, kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 4 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trường cho rằng, trong thời gian tới đây, dịch bệnh có thể kết thúc nhưng hành vi tiêu dùng sẽ có nhiều biến chuyển.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam xác định, khả năng nhu cầu thị trường quay về mức trước đại dịch là khó có thể xảy ra. Song, tập đoàn vẫn chủ trương tiếp tục sản xuất các mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế trong quý II để tận dụng nhu cầu tại các thị trường nước ngoài hiện đang được dự báo vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống Vinatex phải duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường với công suất cao ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Quay về với câu chuyện của Trường Tiến, ông Tiến cho rằng, đến thời điểm này, số doanh nghiệp bị đóng cửa không nhỏ nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may đã đứng vững. Riêng với Trường Tiến, doanh thu từ việc xuất khẩu khẩu trang đã gỡ đi hơn 50% khó khăn của công ty.

Đây được đánh giá là thành công khi việc xuất khẩu quyết định gần 100% doanh thu từ khoảng 1 tháng nay thay vì con số 30% trước đó.

“Công ty vẫn duy trì số lượng người lao động như trước, chưa một ai nghỉ việc. Dù công việc có giảm, doanh thu có giảm mạnh nhưng chúng tôi vẫn sống tốt nhờ cả vào các đơn hàng xuất khẩu”.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu khẩu trang, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, tính từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đã có gần 500 triệu chiếc khẩu trang được xuất khẩu với trị giá khoảng 75 triệu USD.

Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành Dệt May và năng lực sản xuất gần 300 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi tháng.

Những con số này cho thấy, xuất khẩu khẩu trang đang là lợi thế của một số doanh nghiệp tận dụng được cơ hội. Nhưng cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang sẽ điêu đứng nếu không tìm được những đơn hàng mới từ thị trường nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.