Vụ tai nạn xảy ra giữa xe máy và xe containertại Q.2, TP HCM ngày 5/6 |
Sáng 11/6, tại TP HCM, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT tổ chức tọa đàm Giải pháp tăng cường đảm bảo TTATGT trong vận tải đường bộ bằng xe container. Buổi tọa đàm do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì.
Doanh nghiệp “chấp nhận” cho tài xế dùng bằng giả
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, năm 2014 cả nước có 9 vụ TNGT liên quan đến xe container. Nhưng chỉ 5 tháng đầu năm 2015 đã có 22 vụ, trong đó tại TP HCM xảy ra 11 vụ làm 8 người chết, 5 người bị thương (chiếm 45,5% số vụ TNGT trên toàn quốc). Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi nơi xảy ra hai vụ.
“Đáng quan ngại là số vụ TNGT liên quan đến xe container thường gây hậu quả nghiêm trọng, làm nhiều người chết. Điển hình là vụ TNGT xảy ra ngày 31/5 trên QL1 đoạn qua Thủ Đức đã làm 5 người chết. Ngoài ra còn hàng chục vụ tai nạn, va quệt do xe container đâm vào dải phân cách, đâm vào xe tải, tông vào nhà dân…”, ông Thạch nói.
"Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở GTVT các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải của các DN vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container từ nay đến hết tháng 8/2015”. Ông Nguyễn Văn Thạch |
Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý đảm bảo ATGT trong hoạt động vận tải xe container ở khu vực TP HCM vừa qua còn nhiều bất cập. “Trong khi Hải Phòng có số lượng xe đầu kéo tương đương TP HCM chỉ xảy ra hai vụ”, ông Hùng lưu ý.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP HCM lại đề cập đến tình trạng thiếu tài xế có bằng FC dẫn đến hiện tượng nhiều tài xế sử dụng bằng lái giả, hoặc chỉ mới có bằng hạng C nhưng vẫn lái xe đầu kéo. Cùng đó, nhiều người có bằng FC nhưng một thời gian dài không lái xe, giờ thiếu tài xế nên lại cầm vô lăng. Hậu quả là xử lý tình huống trên đường không tốt dẫn đến tai nạn.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu câu hỏi với ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Vinh: “Xin hỏi DN anh có bao nhiêu xe container, bao nhiêu tài xế? Nếu không đủ tài xế thì anh điều hành như thế nào?” Ông Vinh trả lời thẳng thắn: “Báo cáo có 50 xe và 40 tài xế. Nếu không đủ, chúng tôi chấp nhận cho tài xế sử dụng bằng giả, bằng C chạy xe container, chở quá tải”.
Một số DN lý giải họ tuyển tài xế có bằng FC giả là vì không có thông tin, không biết kiểm tra ở đâu.
Đáp lại những ý kiến này, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho hay: “Chúng tôi đã thông tin công khai trên mạng. Các anh chỉ cần vào website của Tổng cục đường bộ (www.drvn.gov.vn), gõ số bằng lái là biết bằng đó giả hay thật”.
Nâng cao trách nhiệm của DN vận tải
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, không phải ngẫu nhiêu mà gần đây TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe container tăng cao. Điều này xuất phát từ việc phát triển nhanh của lượng xe đầu kéo, khiến DN thiếu tài xế nên có tình trạng tài xế sử dụng bằng giả, tài xế phải quay vòng nhiều nên không đảm bảo sức khỏe nên rất dễ vi phạm luật khi tham gia giao thông. Có tài xế ngủ gật khi điều khiển xe. Hậu quả là các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó TGĐ Công ty vận tải Quang Châu cho rằng, nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của tài xế. “Không phải tài xế không hiểu luật mà quan trọng là họ có chấp hành khi chạy trên đường hay không”, ông Ngọc nói.
"DN vận tải cần coi lái xe như chủ xe chứ không xem họ là người làm thuê, giao xe, khoán trắng cho họ. Nếu có điều kiện thì cho tài xế đóng góp vào như góp cổ phần khi mua xe. Từ đó tài xế có trách nhiệm hơn khi điều khiển xe trên đường”. Ông Lê Văn Tiến |
Thượng tá Trần Hữu Toán, Phó trưởng phòng TTKS (Cục CSGT) cho rằng, nguyên nhân TNGT liên quan đến xe container là do DN khoán trắng cho tài xế. DN chỉ biết trả lương cho tài xế một tháng bao nhiêu rồi giao xe cho họ chạy. Quay vòng nhiều thì lương càng cao, còn không hề quan tâm đến sức khỏe, điều kiện làm việc của tài xế, hậu quả xảy ra ngoài đường thì xã hội chịu. “DN biết tài xế sử dụng bằng giả mà vẫn thuê thì hỏi làm sao không xảy ra tai nạn, nhà nước làm sao quản lý nổi”, ông Toán nói.
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để người tham gia giao thông chấp hành, nhằm giảm TNGT. Bộ GTVT luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các DN để chỉnh sửa các quy định cho phù hợp thực tiễn. Tuy vậy, các DN vận tải cũng phải có trách nhiệm, không thể khoán trắng cho cơ quan quản lý nhà nước. “DN nên xem lại đã thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải bằng container chưa, tuyển dụng tài xế đúng quy định chưa. Các DN, hiệp hội phải cùng nhà nước thực hiện các biện pháp để kéo giảm TNGT. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng gì ai”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận