ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận |
Định giá đất sai lệch, cố tình chiếm dụng “đất vàng” sau cổ phần hóa (CPH)… là những nội dung được nhiều ĐBQH tập trung thảo luận, khi cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, diễn ra ngày 28/5.
Đủ chiêu chiếm dụng “đất vàng”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sai phạm chủ yếu của DNNN trong CPH là định giá sai lệch giá trị DN để CPH nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị DN vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị DN.
Khi xác định giá trị DN để CPH, có trường hợp DN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, DN không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...
Theo báo cáo giám sát, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đáng chú ý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN hiệu quả chưa cao. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. |
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu thực tế, hầu hết cơ quan Nhà nước thực hiện CPH trong giai đoạn 2011 - 2015 đều không xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN. Thực tế, nhiều DN có diện tích lớn và vị trí đắc địa, không tính vào giá trị DN và giá trị lợi thế vào giá khởi điểm, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Đồng tình, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: “Nhiều DN sở hữu nhiều mảnh “đất vàng”. Giá trị hiện tại của những tài sản trên đất lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ. Nhưng trong báo cáo giá trị tài sản của các DN vẫn theo giá trị ghi sổ. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng CPH và mục tiêu là khu đất DN đang sở hữu, lũng đoạn giá trong việc mua, bán tài sản đất công như trong thời gian vừa qua”.
Từ đây, nhiều ĐB kiến nghị ngay cả sau khi CPH, đối với những vị trí tiềm năng, “đất vàng” vẫn phải quản lý chặt. Nếu DN sau CPH không thực hiện đúng quy hoạch, kinh doanh không đúng theo quy định đã cam kết hoặc chuyển nhượng mua bán… phải kiên quyết thu hồi.
“Cổ phần hóa vẫn hình thức”
Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã CPH được 571 DN nhưng chỉ thu về cho Nhà nước 43 nghìn tỷ đồng. Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), con số này là quá ít ỏi. “Nhiều tổng công ty chỉ bán 1 - 2% vốn điều lệ ra bên ngoài nên khó có thể nói là CPH theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Lượng vốn Nhà nước sở hữu tại các DN đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn, theo báo cáo giám sát chiếm tới trên 80% vốn điều lệ. Vì vậy, một lượng lớn các nguồn lực tài chính cho đến nay vẫn chưa tìm được chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng chúng một cách có hiệu quả”, ông Lộc nhận định.
Trong khi đó, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nêu quan điểm, nhiều bộ, ngành không muốn rời xa các DN vốn được coi như là “sân sau” của mình, khiến nhiều người nghi ngại, đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) có chung nhận định và cho rằng, CPH như vậy mang tính hình thức, không đạt mục tiêu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào DN và đổi mới phương thức quản trị DN. Qua đây, ĐB đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phân loại DNNN, danh mục DNNN CPH, thu hẹp nhóm ngành, lĩnh vực, số lượng DN mà Nhà nước cần duy trì 100% vốn và giữ cổ phần chi phối, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng, những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Giải trình làm rõ thêm nội dung các ĐB nêu, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, để khắc phục bất cập, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017 sửa đổi, quy định phương án sử dụng đất khi CPH DN Nhà nước. Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra các dự án có “đất vàng” đang được tiến hành, nhằm phát hiện sai phạm để xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận