Tàu SB Thái Hà 28 cập cảng Thuận An |
Nâng cấp tàu, giảm giá cước
Phó giám đốc Công ty Cổ phần TM&VT Thái Hà (Hải Dương) Trần Quang Thắng cho biết, công ty vừa đầu tư nâng cấp đội tàu từ VR-S1 lên 10 chiếc VR-SB, đồng thời đóng mới con tàu trọng tải 1.650 tấn trị giá 10 tỷ đồng, chuẩn bị hạ thủy cuối tháng 10. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng số thuyền viên tương ứng, đầu tư thêm 300 triệu đồng thiết kế lại tàu, lắp đặt thiết bị như hệ thống ra đa, định vị, cứu sinh, cứu hỏa... đáp ứng yêu cầu của tuyến biển mới.
Ông Thắng đánh giá, tuyến vận tải ven biển phù hợp cho các tàu có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, mà khách hàng là các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa. Do vậy, công ty đang mở rộng phạm vi chuyên chở. Đặc biệt, giá cước đường biển được công ty này giảm 20% so với trước đây. Nhờ đó, lượng hàng trung bình mỗi tháng của công ty đạt 50-60% năng lực khai thác, dù đang là mùa thấp điểm.
Ba tháng “thông tuyến” vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình đã có 233 lượt tàu vận chuyển được 409 nghìn tấn hàng hóa, tương đương hơn 13.000 xe vận tải 30 tấn. |
Tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vận tải biển cũng “siết” chi phí đầu vào để giảm giá thành vận chuyển. Với đôi tàu lớn, công suất 1.000-3.000 tấn/tàu (tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng) chạy ngang dọc tuyến biển Bắc - Nam, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Công ty CP Vận tải biển và Thương mại kỹ thuật Trung Hưng tính toán, nếu lượng hàng chuyên chở ổn định, giá cước của công ty có thể giảm từ 200.000 đồng/tấn, xuống còn khoảng 150.000 đồng/tấn.
Ông Võ Văn Trí, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An (Thừa Thiên - Huế) cho hay, đơn vị vừa phải thanh lý hai con tàu trọng tải vài trăm tấn để gom tiền đầu tư tàu trọng tải lớn, đón làn sóng “mở biển” mới. Xu hướng nâng cấp, chuyển đổi lên các tàu trọng tải lớn vài trăm đến cả ngàn tấn để giảm bớt chi phí nhiên liệu, nhân công, hạ giá cước vận tải đang được nhiều doanh nghiệp vận tải biển triển khai.
Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận tải
Trao đổi PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây lắp Xuất nhập khẩu Sơn Long (Vinh, Nghệ An) hồ hởi, so với đường bộ, vận tải đường biển giảm 50% chi phí. Cụ thể: Một khối gỗ nếu chở đường bộ từ Bờ Y (Kon Tum) về Nghệ An mất 3 triệu đồng, nhưng nếu đi đường bộ về cảng Đà Nẵng rồi chở bằng tàu biển ra Nghệ An chỉ mất chưa đến 1,5 triệu đồng/khối. “Thời gian chở đường biển lâu hơn nhưng bù lại trọng tải lớn hơn nên tính chung khối lượng vẫn lợi hơn thời gian, đặc biệt độ ổn định trước tình trạng siết chặt quá tải đường bộ hiện nay”, ông Long nói.
Báo cáo của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy: Cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet khoảng 10-12 triệu đồng. Nhưng với vận tải biển, chỉ 2,4 triệu đồng. Ông Trí đánh giá, vận tải hàng hóa thời gian trước đây đổ dồn vào đường bộ, tình trạng chở quá tải diễn ra phổ biến.
Nay, việc siết quá tải triển khai nghiêm, hàng hóa được “chia lửa” cho các tuyến biển. Theo ông Trí, chưa lúc nào lượng tàu cập Cảng Thuận An làm hàng nhiều như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vận chuyển than từ Quảng Ninh vào TT-Huế bằng đường bộ cả chục năm, nay chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy vào Cảng Thuận An.
Tại Cảng Quảng Ninh, từ tháng 4 đến nay, hơn 1 triệu tấn hàng hóa được chuyển tải qua phương tiện thủy nội địa về các địa phương. Khối lượng lớn hàng hóa được các doanh nghiệp vận chuyển qua Cảng Đà Nẵng thay vì đi đường bộ vào TP HCM như trước đây.
Thống kê từ Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), 8 tháng qua, lượng hàng thông qua cảng gần 4 triệu tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hàng container nội địa đạt xấp xỉ 39.500 TEUs, tăng 106,5% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đánh giá: Nếu tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang hoạt động tốt sẽ tạo cơ hội khai thác tối đa công suất của Cảng Đà Nẵng.
Xuân Huy - Duy Lợi - Trình Lãm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận