Hạ tầng

Doanh nghiệp vận tải ngóng chờ ngày nối thông cao tốc Bắc - Nam

28/04/2022, 06:30

Khi tuyến cao tốc Bắc - Nam được nối thông vào năm 2025 sẽ gỡ điểm nghẽn liên kết vùng, tạo cú hích phát triển vận tải.

QL1 sẽ là “tấm áo chật”

Đã 6 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hiền Phước - doanh nghiệp có 50 xe khách 45 chỗ chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM vẫn chưa quên được ngày dự án mở rộng QL1 hoàn thành thông xe toàn tuyến từ Hà Nội - TP.HCM.

img

Ngành GTVT đang nỗ lực để đến năm 2025 nối liền tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tạo cú hích phát triển vận tải (Trong ảnh: Thi công hầm Trường Vinh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) Ảnh: Tạ Hải

“Trước đây, xe của doanh nghiệp chạy thẳng từ Hà Nội vào TP.HCM mất từ 40-52 giờ. Từ năm 2016, khi QL1 hoàn thành mở rộng chỉ mất khoảng 36- 40 giờ.

Chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Bộ GTVT luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc. Bởi, chỉ có đường cao tốc mới có thể vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, thuận tiện, giúp cho kinh tế các địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ


Việc lưu thông rất thuận lợi, an toàn, góp phần giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Chúng tôi quay vòng khai thác được nhiều chuyến xe hơn do thời gian rút ngắn, tiết kiệm nhiên liệu hơn”, ông Hùng nói.

QL1 được đầu tư mở rộng quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe máy giảm đáng kể tình trạng quá tải, ùn tắc liên miên. Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện tuyến QL1 đã không theo kịp yêu cầu phát triển bởi tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang Bắc - Nam trung bình lên tới 15%/năm.

Thời điểm này, lưu lượng vận tải trên nhiều đoạn đã vượt quá năng lực thiết kế của tuyến. Đơn cử đoạn Hà Nội - Vinh, Phan Thiết - Đồng Nai, Phan Rang - Phan Thiết… đều đã mãn tải.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, do đặc thù giao thông trên tuyến QL1 là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên nên tốc độ khai thác thấp.

Khi lưu lượng phương tiện vận tải tăng nhanh, QL1 sẽ là “tấm áo chật”. Nếu không đầu tư các tuyến cao tốc song hành, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá năng lực của hệ thống giao thông hiện tại, gây trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế.

“Chúng ta cần đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Quyền nói.

Lợi ích cao tốc không chỉ tính bằng tiền

img

Dự án Cao Bồ - Mai Sơn dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020 chính thức thông xe vào ngày 4/2, góp phần hoàn thiện toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Cũng theo ông Quyền, khi có đường cao tốc sẽ giúp phương tiện vận tải lưu thông nhanh hơn, an toàn và hiệu quả hơn. Câu chuyện đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là minh chứng. Khi tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 4 tiếng so với 7 tiếng trước đây.

Nói riêng về vận tải, khảo sát lái xe, doanh nghiệp có phương tiện thường xuyên sử dụng dịch vụ đường cao tốc của Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho thấy, phần lớn các lái xe đánh giá tiết kiệm thời gian 3-4 giờ so với lưu thông trên QL70, tiết kiệm nhiên liệu 20-30% so lộ trình cũ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến, cũng là chủ doanh nghiệp có hơn 100 xe container chia sẻ, cao tốc Nội Bài - Lào Cai mang lại cho công ty “đáng đồng tiền bát gạo”.

“Với việc rút ngắn thời gian từ Hải Phòng lên Lào Cai từ 15 tiếng xuống còn 9 tiếng, chúng tôi quay vòng đầu xe lên gấp 1,5 lần. Trước đây mỗi xe container từ Hải Phòng lên Lào Cai hết hơn 300 lít dầu, nay chỉ còn khoảng 250 lít, giảm gần 20%. Nếu chuyển thành tiền hơn 1 triệu đồng, đủ trả phí lưu thông”, ông Tiến nói.

Theo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt hơn 2.700 triệu tấn; hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách. Riêng hành lang vận tải Bắc - Nam dự báo nhu cầu là 45,3 triệu hành khách/năm và 62,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Vì vậy, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài hơn 2.000km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới được Chính phủ, Bộ GTVT quyết tâm xây dựng và đang dần hình thành.

Giấc mơ về một tuyến đường an toàn hơn, sắp trở thành hiện thực. Ngành GTVT đang nỗ lực để đến năm 2025 nối liền tuyến cao tốc Bắc - Nam dọc chiều dài đất nước, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, kết nối 74% các cảng biển, 75% các khu kinh tế, 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách. Hệ thống đường bộ sẽ gánh 65% khối lượng hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam. Phần còn lại do các phương thức vận tải khác đảm nhiệm như đường sắt, đường thủy.

Là doanh nghiệp vận tải với 250 đầu xe container vận chuyển tuyến Bắc - Nam, ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng đại diện phía Bắc, Công ty CP Vận tải giao nhận và Thương mại Quang Châu cho hay, khi cao tốc Bắc - Nam được nối thông với tốc độ cao, an toàn sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian vận chuyển, khấu hao phương tiện.

“Đường cao tốc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển và giảm tối đa chi phí vận hành của hàng hóa. Khi những chi phí này giảm sẽ giảm được giá thành vận chuyển, các doanh nghiệp sản xuất sẽ giảm được chi phí đầu vào và người dân sẽ được hưởng lợi”, ông Thảo nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, khi có cao tốc sẽ giảm khoảng 30% thời gian đi lại, chi phí giảm khoảng 20%, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện.

“Các yếu tố đầu vào cao sẽ dẫn đến chi phí vận tải và giá thành hàng hóa tăng cao, đối tượng chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Ngược lại, khi chi phí vận tải giảm, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ giảm theo.

Doanh nghiệp vận tải có điều kiện giảm giá vé cho hành khách và giá cước vận chuyển khi giảm được các chi phí. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, chưa kể đến các lợi ích không định lượng được bằng tiền, như giảm TNGT, ô nhiễm môi trường”, ông Quyền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.