Một bộ hồ sơ xuất nhập hàng hóa của doanh nghiệp tại hải quan cần rất nhiều con dấu |
Khổ vì con dấu
Do quy định hiện hành, mọi văn bản, giao dịch của DN chỉ có giá trị pháp lý khi có đủ chữ ký và con dấu, nên con dấu tha hồ “hành” doanh nghiệp. Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự) kể, một DN khách hàng có trụ sở tại trung tâm Hà Nội, nhưng nhà máy sản xuất, kho hàng lại ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nên DN phải dành riêng một xe ôtô chuyên chở con dấu đi lại giữa hai nơi để đóng dấu. Nếu ký kết hợp đồng ở nước ngoài, DN phải mang con dấu theo và mọi hoạt động trong nước đều “tạm treo” đợi dấu về.
Ông Đỗ Thế Dũng, đại diện cho Công ty Honda Việt Nam cũng cho hay, dù là một trong số ít DN lớn được cấp hai con dấu, nhưng do một con dấu đặt tại bộ phận sản xuất chuyên dùng để đóng dấu chứng nhận xuất xưởng cho mỗi chiếc xe, một con dấu đặt tại bộ phận hành chính, nên các chi nhánh lớn công suất 500.000 xe/năm, các phòng ban khác… muốn lấy dấu đều phải chờ đợi, đi lại nhiều lần.
Theo ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, khi DN mâu thuẫn nội bộ, con dấu thành vật bị tranh chấp và gây nhiều hệ lụy cho DN. Các vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn ba năm ở Công ty CP SXTMDV Đay Sài Gòn; kéo dài hơn một năm ở ĐH Hùng Vương; hay hơn 3 năm tại Công ty CP Hữu Nghị… là những ví dụ điển hình.
Còn theo báo cáo của Doing Business 2014, muốn có một con dấu, DN Việt phải mất 34 ngày với 10 thủ tục và chi phí khoảng 380.000 - 1.500.000 đồng (tùy chất liệu). Cứ 5 năm, DN phải mang con dấu đến Bộ Công an trình diện và nếu dấu bị mòn, méo, hỏng… thì phải thay dấu mới. Đặc biệt, mỗi khi DN chuyển trụ sở thì bắt buộc phải thay dấu mới, mà chuyển trụ sở là việc thường xảy ra ở các DN.
50% DN muốn bỏ con dấu
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), 50% DN muốn bỏ con dấu, 31% muốn tự khắc dấu và thông báo với cơ quan chức năng, chỉ 11% vẫn muốn để cơ quan công an cấp con dấu cho DN.
"Việc sử dụng con dấu là lỗi thời, lãng phí thời gian và tiền bạc. Thế giới chỉ còn 79/189 nước sử dụng con dấu. Việt Nam cần có tầm nhìn xa trong việc xây dựng khung pháp lý thay thế con dấu bằng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số”. Ông Jean Michael Lobet chuyên gia tài chính cao cấp Nhóm Ngân hàng Thế giới |
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, trong điều kiện, thói quen DN và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa thể bỏ ngay con dấu mà cần có lộ trình. Vì vậy, dự thảo Luật DN sửa đổi chỉ nới thủ tục DN bằng cách để doanh nghiệp tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu, sau đó đăng ký với cơ quan chức năng và không bắt buộc con dấu là giá trị pháp lý duy nhất để nhận diện DN. Việc bỏ con dấu, thay bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp.
Đồng tình với quy định mở này, luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, DN sẽ được tùy chọn mẫu mã con dấu, được khắc nhiều con dấu, được quyền chọn con dấu hay chữ ký, chữ ký số để giao dịch. Đặc biệt, điều này sẽ thúc đẩy DN phát triển giao dịch điện tử, loại hình thương mại đang gia tăng trên toàn thế giới.
Về vấn đề pháp lý của chữ ký, chữ ký điện tử khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, luật sư Cao Bá Khát, Công ty Tư vấn Luật K và cộng sự khẳng định, khi đã được đăng ký với cơ quan chức năng, thì giá trị pháp lý của chữ ký và chữ ký số không khác gì con dấu. Chính con dấu mới dễ bị làm giả và kém xác thực nhất so với vân tay, chữ ký, ADN…
Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số, không chỉ chữ ký số mà các giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng, gửi email… cũng đều được lưu trữ và sử dụng làm căn cứ khi có tranh chấp, khiếu kiện.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận