Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt vẫn lơ mơ về "thị trường chung ASEAN"

13/08/2014, 09:16

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo ra một thị trường chung, một không gian sản xuất đơn nhất của khu vực.

TIN LIÊN QUAN

 

Nhiều doanh nghiệp vẫn lơ mơ thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN dù thời điểm gia nhập đang đến rất gần
Nhiều doanh nghiệp vẫn lơ mơ thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN dù thời điểm gia nhập đang đến rất gần


Thị trường chung, cơ hội lớn


Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Bộ Công thương), từ năm 2003 đến nay, kim ngạch thương mại của Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD lên gần 40 tỷ USD. Từ năm 2006 đến nay, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch năm 2013 là 17,3 tỷ USD (năm 2006 mới chỉ 1,8 tỷ USD).
 

"Từ nay đến năm 2015 và những năm sau 2015, cộng đồng ASEAN còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc loại bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy đầu tư để trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn, phát triển nền kinh tế chung làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia trong khu vực”.

 

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Ông Hoàng Văn Phương - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, khi hoàn thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung; thuế quan sẽ bị xóa bỏ và các hàng rào phi thuế sẽ được cắt giảm dần; các thủ tục thuế quan và hải quan đơn giản, tiêu chuẩn hóa dự kiến sẽ giúp giảm chi phí giao dịch; các nhà đầu tư ASEAN được tự do đầu tư và các ngành dịch vụ sẽ được mở cửa. Đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt. 

Với 10 quốc gia thành viên, AEC sẽ trở thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Đây là một thị trường xuất - nhập khẩu rộng lớn, gần gũi và rất cần thiết đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần tự chủ, tránh lệ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế nào.

Gần 80% doanh nghiệp Việt vẫn lơ mơ


Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, ISEAS, có đến gần 80% doanh nghiệp Việt, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn không biết cần phải chuẩn bị gì trước sự kiện gia nhập AEC; dù trên thực tế, 71% DNVVN đã tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành lo ngại: “Nếu doanh nghiệp hoàn toàn “mù” thông tin về ASEAN, AEC, cứ thấy cờ là phất lung tung thì không có hiệu quả hội nhập được”.


Ông Hoàng Văn Phương cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hiểu rõ thách thức khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Ví dụ, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì phải đảm bảo được quy tắc xuất xứ hàng hóa từ các nước ASEAN. Quy định của AEC là phải có ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm sản xuất trong khối ASEAN mới được hưởng ưu đãi; tức nhập nguyên liệu quá nhiều từ các nước ngoài khối thì cũng không được hưởng thuế ưu đãi. Ngoài ra, còn có những “hàng rào thương mại” khác như chống trợ cấp, chống bán phá giá…


Để tiến trình tham gia AEC cho hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, mỗi quốc gia cần quan tâm đến giá trị gia tăng như bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư và tăng cường hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng…, tạo nền móng vững chắc cho sản xuất, xuất khẩu.


Ông Võ Trí Thành nêu quan điểm, qua vụ việc quá khích đập phá một số nhà máy hồi tháng 5 ở Việt Nam, doanh nghiệp cần thấy rằng cái đầu tiên khi hội nhập ASEAN là học khả năng chống đỡ trước những cú sốc. Càng tham gia hội nhập, rủi ro và sự cố càng nhiều, doanh nghiệp cần học cách lắng nghe và “ném rủi ro” đi nơi khác. Đồng thời, doanh nghiệp phải làm thế nào để chui được vào chuỗi giá trị, làm thế nào để chơi được với doanh nghiệp tiên phong, tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, mạnh dạn tham gia các ngành mới…

Quỳnh Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.