Toàn bộ Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch bị phong tỏa từ ngày 18/2
Mong dỡ bỏ phong tỏa từng giờ
Tại vùng tâm dịch Hải Dương, rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được trong khi chi phí đội lên từng ngày, khiến họ như “ngồi trên lửa”.
Sau 5 ngày bị phong tỏa, chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lưu Mạnh Hào, Chánh văn phòng Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho hay: “Tới thời điểm này, thêm một giờ phong tỏa cũng là khó khăn chứ chưa nói tới thêm một ngày”.
Theo ông Hào, kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành, hơn 1.300 lao động gồm cán bộ nhân viên Xi măng Hoàng Thạch cùng người lao động của các đối tác đang làm dịch vụ đều ở nguyên trong nhà máy.
Công ty vẫn duy trì sản xuất bình thường. Tuy nhiên hàng làm ra mà không chở đi tiêu thụ được, nguyên liệu sản xuất cũng chỉ có thể duy trì hoạt động trong 4 - 5 ngày tới.
“Do phong tỏa nên các lái xe nhập nguyên liệu không đi qua được địa bàn Quảng Ninh và các trạm trong tỉnh Hải Dương. Ngược lại, việc xuất hàng tới các điểm giao nhận cũng gặp khó khăn, ách tắc. Ngoài ra đã xuất hiện tâm lý khách hàng e ngại và từ chối sản phẩm đi từ vùng dịch…”, ông Hào lý giải.
Tính tới ngày 22/2, lượng hàng tồn kho của Hoàng Thạch đã dâng cao. Nếu như trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhà máy chỉ tồn khoảng 50.000 tấn Clinker và 30.000 tấn xi măng thì tới nay, lượng clinker tồn lên tới 140.000 tấn và 147.000 tấn xi măng. Lượng hàng tồn cao song nhiều đơn hàng xuất khẩu đều phải báo hoãn do tình hình vận chuyển gặp khó khăn.
“Gần đây nhất, tàu hàng của đối tác từ Philippines đã cập bến tại Quảng Ninh song chúng tôi cũng phải khất lỗi vì đang trong thời gian phong tỏa. Nói là xin lùi hạn giao hàng nhưng đối tác cũng khó có thể đợi, họ chuyển sang mua đơn vị khác thì cũng đành chịu”, ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Vicem Hoàng Thạch chia sẻ.
Lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng
Công ty TNHH Nguyễn Thị Thanh Bình ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu cũng là một trong hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ông Ngô Công Hậu, đại diện công ty cho biết: “Công ty có hơn 100 lao động, chúng tôi ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản từ năm trước, lẽ ra thời điểm này chúng tôi phải xuất hàng sang Nhật theo hợp đồng. Tuy vậy, dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động của công ty dừng lại, công nhân không thể đến làm việc, chúng tôi bị lỡ hợp đồng với đối tác, thiệt hại hàng tỷ đồng”.
Ngoài hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Hải Dương còn là vựa nông sản của vùng duyên hải Bắc Bộ. Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng từ lâu là địa điểm tập kết của các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà rốt.
Dịch Covid-19 xảy ra, người dân, các doanh nghiệp ở Đức Chính còn 808ha cà rốt đến thời kỳ thu hoạch với tổng sản lượng trên 48.000 tấn, trong đó 245ha tại xã và 563ha người dân thuê đất ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách...
Trong bối cảnh toàn tỉnh phải cách ly xã hội, hầu hết doanh nghiệp tại xã Đức Chính đang lao đao vì đơn hàng đã ký nhưng hàng không thể ra khỏi Hải Dương. Ước tính người dân và doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tương tự, tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) hiện cũng có trên 1.000 tấn nông sản, chờ xuất khẩu qua các cảng ở TP Hải Phòng. Thời điểm chưa có dịch, chi phí vận chuyển container hàng từ công ty đến cảng là 3,5 triệu đồng/chuyến. Hiện chi phí đã tăng gấp đôi nhưng cũng có rất ít doanh nghiệp, lái xe nhận chở hàng.
“Nhiều ngày nay công ty chưa xuất được lô hàng nào vì không có lái xe nhận chở. Trong 3 ngày tới, nếu hàng không được đưa đi thì kho lạnh của công ty sẽ quá tải, chúng tôi cũng buộc phải dừng thu mua nông sản của người dân. Những đơn hàng chúng tôi đã ký với đối tác nước ngoài không thực hiện được, doanh nghiệp sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì không xuất được hàng, lại bị đối tác phạt hợp đồng”, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt chia sẻ.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa để giảm bớt các điều kiện, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.
Cụ thể, phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn Hải Phòng.
Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ Hải Phòng. Việc bố trí lái xe, phương tiện và cách thức giao nhận do các doanh nghiệp của Hải Dương và Hải Phòng liên hệ và chịu trách nhiệm.
Theo ông Lưu Mạnh Hào, khó khăn nhất của Vicem Hoàng Thạch lúc này chính là lo đảm bảo điều kiện sinh hoạt, bữa ăn, chỗ nghỉ cho hơn 1.300 con người trong những ngày phong tỏa.
Được biết Vicem Hoàng Thạch đã tự bỏ ra gần 1 tỷ đồng để xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ nhân viên, người lao động. Trước kết quả lần 1 đều âm tính, công ty đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương sớm xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa. “Tới thời điểm này, hàng loạt chi phí phát sinh khác để phòng dịch, khử khuẩn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, bổ sung thực phẩm nước uống cho nhân viên… tất cả đều chưa thể tính toán được”, ông Hào chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận