Vừa qua có nhiều doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc chạy tuyến Phan Thiết - Phú Quý. Phía huyện đảo Phú Quý rất lo lắng vì sợ nhiều tàu chở khách ra đảo sẽ gây quá tải vì hạ tầng du lịch chưa được đầu tư, ô nhiễm môi trường. PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Nam - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận về vấn đề này.
Các tàu hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu
Xin ông cho biết quan điểm của Bình Thuận trong việc có doanh nghiệp xin đăng ký chạy thêm tàu từ Phan Thiết - Phú Quý?
Quan điểm xuyên suốt của chính quyền tỉnh Bình Thuận là ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Bình Thuận, trong đó có đầu tư phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa trên tuyến vận tải thủy Phan Thiết - Phú Quý để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quý.
Hiện nay tuyến hàng hải Phan Thiết - Phú Quý có bao nhiêu tàu đang hoạt động, có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân chưa, thưa ông?
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư tàu trung, cao tốc hoạt động trên tuyến hàng hải Phan Thiết - Phú Quý để phục vụ người dân địa phương và chở khách du lịch từ bờ ra đảo. Cụ thể, có các tàu Quê Hương, Phú Quý 07 là tàu vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ chậm. Cùng với đó là các tàu Hưng Phát, 2 tàu SupperDong, tàu Phú Quý Express là những tàu cao tốc. Như vậy với lượng tàu hiện nay đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch đến Phú Quý ở thời điểm hiện tại.
Các doanh nghiệp này đều lập dự án ngay từ đầu (trước khi đóng tàu), được UBND tỉnh có văn bản chấp thuận đầu tư trước khi thực hiện. Theo các dự án đầu tư đã được chấp thuận, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thêm 3 tàu để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch (Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hưng Phát đầu tư đóng mới thêm 01 tàu cao tốc 250 hành khách và 50 tấn hàng; Liên danh Công ty CPĐT XNK Phú Quý Bình Thuận và Công ty TNHH TM&SX Quản Trung đầu tư 2 tàu khách cao tốc có công suất chở 300 khách/tàu và 5 tấn hàng hóa).
Ông Bùi Thế Nhân – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý: Hiện nay tất cả các cơ sở du lịch, lưu trú cũng như hạ tầng dịch vụ thương mại của Phú Quý chưa phát triển kịp để phục vụ khách. Người dân cũng như chính quyền chỉ mới bước đầu làm quen với các dịch vụ du lịch. Hiện trên đảo chưa có một khách sạn nào đạt chuẩn có sao. Những dịp cao điểm như lễ Tết rất căng thẳng về các dịch vụ. Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, lượng khách du lịch ra Phú Quý tăng đột biến đã gây khó khăn cho nhân dân, và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, cung ứng dịch vụ lưu trú và hậu cần. Giờ nếu tăng thêm tàu cao tốc để đưa khách du lịch ra đảo sẽ gây áp lực lớn cho địa phương, đặc biệt là trong việc thu dọn rác thải và xử lý rác thải gây hại môi trường như chai nhựa, túi nylon…
Phải được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư
Được biết, vừa qua Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc có đăng ký đưa tàu Trưng Trắc vào hoạt động trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý, ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này?
Việc Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quý đăng ký đưa tàu Trưng Trắc vào hoạt động trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý có một số vấn đề cần phải xem xét. Trước hết, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc chưa lập dự án đầu tư, chưa được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, Công ty chỉ mới có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của Công ty tại huyện Phú Quý do Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT Bình Thuận cấp ngày 7/5/2019. Đơn vị này cũng chưa lập hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30/7/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Thêm vào đó, tàu Trưng Trắc của Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc được đầu tư để hoạt động trên tuyến Cần Thơ - Côn Đảo. Sau khi UBND huyện Côn Đảo có văn bản đề nghị UBND và Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm thời chưa chấp thuận hoạt động nên mới đăng ký đưa tàu ra hoạt động tuyến Phan Thiết - Phú Quý. Có thể sau khi được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép hoạt động thì doanh nghiệp sẽ đưa tàu về hoạt động trên tuyến Cần Thơ - Côn Đảo.
Do vậy, trong thời gian tới Sở GTVT, Sở KH-ĐT cùng các sở, ngành liên quan sẽ nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết cho phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, khách du lịch đến Phú Quý, đồng thời bảo đảm cho các doanh nghiệp có tàu đang hoạt động yên tâm tiếp tục đầu tư thêm tàu.
Về hạ tầng hàng hải phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý như thế nào, thưa ông?
Hiện tại cầu cảng tại Cảng vận tải Phan Thiết đã đưa vào hoạt động có chiều dài 91m, tuy nhiên luồng ra vào cửa và vùng quay tàu trước cảng chưa được nạo vét nên rất cạn và hẹp, các tàu lớn quay trở rất khó khăn. Được biết theo kế hoạch, tháng 6/2019 Cục Hàng hải mới tiến hành nạo vét.
Cầu cảng dành cho tàu khách và tàu hàng tại Cảng Phú Quý chỉ dài 59m. Khu vực trước cảng không có vùng neo đậu, không có phao buộc tàu nên hiện tại các tàu khách và tàu hàng phải đậu nhờ cầu cảng của tàu cá, gây khó khăn cho hoạt động của các tàu cá.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận