Trong lúc nhiều doanh nghiệp tìm cách co cụm để “bảo toàn lực lượng”, vẫn có những “đốm sáng” nỗ lực chuẩn bị tâm thế để bật dậy ngay khi dịch bệnh đi qua.
Dịch bệnh xóa tan mọi dự tính
Trâm Tạ Company, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân phối mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản, gần đây nhất quyết định nhập khẩu thêm nhiều dòng rượu vang từ Ý. Thế nhưng, hiện cả ba nguồn hàng này bị tê liệt khi đều nằm trong ổ dịch Covid-19 và cũng đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới.
“Trước khi dịch bùng phát, chúng tôi đã quyết định thu mua mặt bằng một số cửa hàng kinh doanh, biến thành nơi để phân phối và cũng là kho hàng. Tuy nhiên, giờ đây tình hình đang diễn ra không như dự định. Trong khi lượng giao dịch trực tuyến tăng đột biến lên khoảng 20-30% thì các cửa hàng offline đều vắng ngắt”, chị Tạ Thị Trâm, CEO của Trâm Tạ Company chia sẻ và cho hay, doanh thu từ rượu vang giảm đến 90%, phần còn lại chỉ đủ lay lắt qua ngày.
Chưa hết, Trâm Tạ Company cũng đang sở hữu chuỗi spa Trâm Beauty trên toàn quốc song doanh số hiện gần bằng 0 bởi khách hàng lo sợ nhiễm dịch, không tới. “Do đó chúng tôi đang phải chuyển hướng sang phục vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà”, chị Trâm thông tin.
Với chi phí nhân công giao động từ 1-2 tỷ đồng/tháng, chi phí mặt bằng, kho bãi từ 300-500 triệu đồng/tháng, Trâm Tạ Company đã xác định “ôm” khoản lỗ từ 500-600 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí marketing, chi phí nhân sự. Chẳng hạn đội ngũ nhân viên marketing cho làm online tại nhà với mức lương giảm 50%. Một số vị trí chỉ được hỗ trợ khoảng 20% lương. Đây cũng là những cố gắng cuối cùng của doanh nghiệp trong giai đoạn này”, chị Trâm cho biết.
Trước kịch bản cuối tháng 6 dịch bệnh mới được kiểm soát, chị Trâm tính toán: “Chúng tôi rất sốt ruột và áp lực về hàng tồn bởi hạn sử dụng đang trôi qua từng ngày trong kho. Điều này buộc chúng tôi phải đẩy mạnh việc bán hàng và mở rộng thêm kênh phân phối như tăng chiết khấu, làm nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm, mong có một chút doanh số để qua giai đoạn khó khăn này”.
Thắp những đốm sáng trong màn đêm
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Thành lập năm 2017, Công ty TNHH An Du chuyên dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh tại các trường tư thục và quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Theo chị Khuất Thị Thùy Dung, CEO An Du, DN này đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, sở hữu dàn xe lên tới hơn 70 chiếc, ký hợp đồng vận chuyển hơn 1.000 học sinh. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã làm ngưng trệ tất cả. “Từ sau Tết đến nay, học sinh các trường đều đồng loạt nghỉ học, dàn xe nằm bẹp tại bến”, chị Dung cho hay.
Dù không hoạt động song theo tính toán, An Du vẫn phải chi trả khoảng 250 triệu đồng cho phí bến bãi, bảo trì đăng kiểm và tiền lương cho lái xe cùng monitor.
Đúng lúc này, An Du đã tình cờ “lọt mắt” Tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt. “Tất cả các dịch vụ trong ngành du lịch đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ có cơ hội xoay chuyển nhiều hơn”, anh Đạt tự tin.
Cụ thể, theo anh Đạt, kể từ khi xuất hiện ca mắc Covid-19 thứ 17, mọi nỗ lực bứt phá của ngành du lịch đều bị tiêu tan. “Sau khi dịch bệnh xảy ra, doanh thu của AZA đã giảm từ 60-70%. Tình hình có vẻ được cứu vãn khi 16 ca bệnh đầu tiên được chữa khỏi. Tuy nhiên khi bệnh nhân 17 xuất hiện, mọi dự định tan hoang. doanh thu giảm tới hơn 90% và hiện tại đang gần như về 0. Trong khi đó, chi phí tối thiểu để duy trì công ty vào khoảng 300 triệu đồng/tháng”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Khi khó khăn chồng khó khăn, mọi việc đều rơi vào thế bế tắc, anh Đạt vẫn khẳng định “giữ tâm bình thản” và kiên định với nguyên lý “nhị nguyên”. “Trong cái đen có cái trắng, trong đêm lại có ngày, trong may lại có rủi, trong “nguy” lại có “cơ”… Dịch bệnh này không phải mãi mãi. Tôi vẫn nỗ lực cố gắng dù mình chỉ là 1 que diêm trong đêm tối”.
Quay trở lại sự kết hợp với An Du, anh Đạt chia sẻ: “Trong tình hình dịch dã bùng phát, mọi người rất ngại đi du lịch xa bằng máy bay. An Du hiện có khoảng 50 xe 16 chỗ để không nên tôi nghĩ ra sản phẩm có thể kết hợp. Thay vì combo giá rẻ khách sạn+vé máy bay thì giờ đây là gói tour gia đình với điểm đến là những resort gần Hà Nội với mức giá giảm từ 30-50%, các tour thường có giá 1,2 triệu đồng/người thì giờ đây sẽ chỉ khoảng 600-700 nghìn đồng”.
Không giống như những chủ DN khác đang muốn co cụm lại, ông chủ AZA dí dỏm: “Chúng tôi là cặp đôi hoàn cảnh, liên kết lại với nhau, tạo đốm lửa trong màn đêm, vượt khó”.
Bên cạnh đó, ông chủ AZA cũng đang toan tính lập sàn thương mại điện tử giải cứu du lịch trong mùa dịch bệnh. “Ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn tác động trong 1-2 năm tới. Do đó, chợ điện tử sẽ dành cho bất cứ ai có sản phẩm giá tốt muốn bán và khách hàng có nhu cầu muốn mua gặp nhau. Sàn cũng tạo cơ hội truyền thông, tạo sức bật cho giai đoạn sau này”, anh Đạt chia sẻ.
Chỉ có 7,2% DN tìm hướng đi mới
Mới đây, kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) mới công bố cho thấy: Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%; chỉ có 1,8% nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.
Cũng theo kết quả khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản.
Khi được hỏi về giải pháp, có tới gần 39% lãnh đạo doanh nghiệp chọn cắt giảm lao động; Gần 21% sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất; Gần 4% thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh; 4% cho lao động nghỉ không lương… Đáng chú ý có khoảng 19% hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Ngược lại, trong nhóm có phản ứng chủ động và sáng tạo, khoảng 7,2% tích cực tìm thị trường mới, 4,2% nâng cao chất lượng phục vụ và tranh thủ thời gian này để đào tạo lại nhân viên (1,7%).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Hiện chưa có số liệu cụ thể, tuy nhiên tình trạng chung vẫn đang xoay xở trong khó khăn. Số doanh nghiệp gồng lên để biến “nguy” thành “cơ” có thể xuất hiện ở đâu đó nhưng không hề đơn giản, bởi phải thay đổi cả mô hình sản xuất kinh doanh. Không loại trừ trường hợp thiếu tiềm lực sẽ dẫn tới tình trạng càng gồng càng lỗ”, ông Thân nói.
Theo ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink, để chuyển “nguy” thành “cơ” các doanh nghiệp cần gắn kết với nhau. “Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể trao đổi nhân sự. Có nhiều đơn vị đang thiếu nhân sự vì ngành của họ cần sale, marketing, nhưng một số đơn vị lại đang thừa. Cần chuẩn bị xây dựng một sức mạnh để chờ thời điểm bật dậy. Đây là một tư duy rất quan trọng của người làm kinh doanh, dành thời gian để phát triển khách hàng tiềm năng thay vì khách hàng hiện có.
Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI):
Coi trọng thị trường trong nước
Kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém. VCCI đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước và cho rằng giải pháp về dài hạn là phải rất coi trọng thị trường trong nước. Đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.
Biện pháp cấp bách trước mắt là làm sao hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch, cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi vừa đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ với 12 biện pháp trước mắt trợ giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan):
Cần tạo những chuỗi liên kết
Khủng hoảng mới bắt đầu, song sẽ là cơ hội nếu chúng ta làm được. Tất cả nông sản đang tồn ứ có thể xuất khẩu được. Đây cũng là cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Khủng hoảng nhưng nếu nó khiến doanh nghiệp nào kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ hơn, bản lĩnh, quyết liệt hơn thì doanh nghiệp đó sẽ tận dụng cơ hội để thành công. Các doanh nghiệp cần kết hợp với nhau để tạo thành chuỗi liên kết. Chúng ta cần làm sao Việt Nam mạnh mẽ lên trong bối cảnh này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Tổng giám đốc Viettravel):
Một ngày thiệt hại 2 triệu USD
Hiện nay một ngày Viettravel bị thiệt hại 2 triệu USD. Dự kiến tình hình này kéo dài đến tháng 6 và chúng tôi hy vọng dòng tiền phục hồi vào tháng 8.
Lúc này doanh nghiệp cần kết nối lại với nhau để trở thành chuỗi giá trị trong bối cảnh khủng hoảng. Hiệp hội nghề nghiệp cần hỗ trợ mạnh, nhất là Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Chúng ta thường “thân ai nấy lo”, “mạnh ai nấy làm”. Chúng ta thường hay trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trước hết doanh nghiệp phải nỗ lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận