Doanh nhân Trần Quốc Quân
Về Việt Nam “trốn” dịch Covid-19, song hệ thống doanh nghiệp của doanh nhân Trần Quốc Quân (SN 1958) tại Ba Lan vẫn hoạt động nền nếp, ổn định. Vị doanh nhân đã từng 3 lần rơi vào cảnh phá sản, nợ nần trải lòng với Báo Giao thông về những thăng trầm, bài học trên đường trở thành doanh nghiệp triệu USD nơi xứ người.
Nung nấu chuyển một phần tài sản về nước đầu tư
Những ngày ông “kẹt” lại Việt Nam, doanh nghiệp tại Ba Lan hoạt động ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành?
Do tính chất lĩnh vực hoạt động, bộ máy chuyên nghiệp quản lý, điều hành, các chủ đầu tư như tôi không phải giám sát những công việc chi tiết phát sinh hàng ngày mà chỉ can thiệp có tính chỉ đạo chiến lược.
Hơn nữa, suốt một năm vừa qua, diễn biến dịch Covid-19 tại Ba Lan rất phức tạp, khi có gần 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 62 nghìn người chết. Hoạt động kinh doanh vì vậy cũng bị ảnh hưởng nhiều. Bởi thế nên kể cả sau khi tôi về Việt Nam đã 7 tháng qua, công việc phát sinh không nhiều, các lãnh đạo tập đoàn có thể điều hành từ xa.
Cách quản trị một doanh nghiệp từ xa có gì khó khăn, thuận lợi so với việc quản trị, điều hành trực tiếp?
Việt Nam và Ba Lan chênh lệch múi giờ 5 - 6 tiếng nên một ngày làm việc của tôi tại Việt Nam bắt đầu từ khoảng… 20h. Không thể phủ nhận, quản trị một doanh nghiệp lớn từ xa không thể hiệu quả bằng điều hành trực tiếp, nhất là về tính quyết đoán, kịp thời, nhanh nhạy.
Nhưng cũng may là bộ máy quản lý đã quen công việc và giàu kinh nghiệm, có thể thay các lãnh đạo xử lý rất tốt các công việc sự vụ phát sinh hàng ngày nên tôi không phải túc trực ngày đêm để chỉ đạo, điều hành.
Việc quản trị, điều hành doanh nghiệp từ xa có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?
May mắn là tất cả các doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi được Chính phủ Ba Lan hỗ trợ toàn bộ chi phí lương nhân viên, với một điều kiện là không được sa thải người lao động. Tổng số tiền hỗ trợ chúng tôi đã được nhận đến nay khoảng 3,5 triệu USD và nhờ vậy chưa có một lao động nào trong hệ thống của chúng tôi bị mất việc.
Đến nay, hoạt động của Tập đoàn EACC tại Ba Lan vẫn diễn ra bình thường trong suốt thời gian tôi ở Việt Nam “trốn” dịch.
Có thời gian đi - về giữa Việt Nam - Ba Lan, đặc biệt là sau gần một năm “định cư” tại quê hương, ông có mong một ngày nào đó sẽ “phủ sóng” hoạt động kinh doanh của mình tại quê nhà?
33 năm sống xa Tổ quốc, hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam, nhưng chưa có lần nào ở lại quá 1 tháng, điều đó khiến tôi không đủ thời gian cảm nhận mọi sự thay đổi.
Lần trở về này đã đủ dài để tôi trải nghiệm. Tôi nung nấu ý định chuyển một phần tài sản về trong nước để đầu tư. Trước mắt, tôi sẽ chọn lựa rót vốn vào một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, trong đó lĩnh vực tôi đã và đang “ngắm nghía” là tài chính và bất động sản.
Ngã không cố đứng dậy, cả đời sấp mặt xuống bùn
Là một trong những doanh nhân thành đạt tại Ba Lan, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm, kinh nghiệm, bài học của mình từ những khởi nghiệp nơi xứ người?
Tôi may mắn được thừa hưởng “máu kinh doanh” từ má mình - một cô hàng tấm chợ Phan Thiết. 13 tuổi tôi đã lần đầu mua được quần áo bằng những đồng tiền do tự mình làm ra từ việc xén, xếp, đóng ghim tài liệu thuê.
19 tuổi, khi đang là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi đã tranh thủ dịp hè đi mua thuốc lá điếu từ Hà Nội vào Quy Nhơn bán, rồi lại buôn mực khô từ Quy Nhơn ra Hà Nội...
Và khi sang Ba Lan nghiên cứu sinh (năm 1988), chỉ trong năm đầu học tiếng, tôi đã tích lũy được một số vốn kha khá nhờ tranh thủ buôn bán thuốc tân dược.
Sau đó, tôi tham gia vào “chiến dịch” đưa hàng điện tử từ Ba Lan (khi đó đã mở cửa thị trường) sang Nga (khi đó còn bị cấm vận), rồi buôn vàng từ Nga về Ba Lan. Mỗi một vòng quay như vậy, tôi có thể có lãi tới 2 - 3 lần…
Thời “tranh tối tranh sáng” của chúng tôi cũng mang đến nhiều cơ hội kinh doanh, bởi thương mại quốc tế chưa “mở toang” cửa như bây giờ. Lại thêm cả yếu tố may mắn nữa.
Tôi giàu rất nhanh, ở thời đó đã có khối tài sản triệu USD. Nhưng sự thành công quá nhanh, quá sớm cũng khiến tôi trở nên chủ quan, kiêu ngạo, tham lam và liều lĩnh. Do đó, tôi cũng mất rất nhiều, trong đó ba lần rơi vào tình cảnh phá sản, nợ nần…
Nguyên nhân nào đẩy ông vào tình cảnh đó? Ông đối diện với cảm giác thất bại, tuyệt vọng như thế nào?
Lần đầu tiên tôi rơi vào cảnh phá sản là năm 1991, do bất cẩn khi làm ăn chung.
Tôi lặng lẽ bắt tay làm lại từ đầu. Lần này tôi chọn đưa hàng quần bò từ Thái Lan sang Nga. Việc buôn bán đang vào đà, thì năm 1994, cảnh sát bất ngờ đột kích, bắt giữ toàn bộ kho hàng của tôi tại Nga. Phi vụ đó tôi mất trắng 1 triệu USD.
Tài sản cả nhà cả cửa tôi gom lại còn được chừng 150.000 USD. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Ba Lan “nở hoa”. Tôi lao vào như thiêu thân với tâm lý “gỡ gạc”, đúng lúc giá lên đỉnh. Và rồi 150.000 USD còn lại của tôi bị đốt sạch. Tôi trắng tay thực sự!
Tôi cũng tự thấy mình vô cùng may mắn, khi mỗi lần vấp ngã, lại còn bạn bè giúp đỡ, kéo tay tôi đứng dậy. Đặc biệt là gia đình, là người bạn đời - một hậu phương vững chắc thực sự.
Doanh nhân Trần Quốc Quân
Biết tình cảnh của tôi, và cũng nắm rõ sự “lợi hại” của tôi, một số bạn bè quyết định bơm vốn cho tôi khởi nghiệp trở lại. Lần này tôi đặt quần áo từ Trung Quốc sang Ba Lan, rồi tái xuất sang Nga, chủ yếu là áo jacket. 15 container, đánh sang tới đâu tiêu thụ tới đó, tôi lập tức bỏ túi gần 1 triệu USD.
Lãi khủng lại làm tôi hăng máu, quyết định tăng đơn hàng lên 40 container. Vợ tôi khi đó can không được, ngồi khóc ở đầu giường, trong lúc tôi vẫn dứt khoát ấn lệnh đặt thêm 25 container nữa. Hàng về ồ ạt. Áo đang bán chạy trở nên rớt giá thê thảm. Tôi phải đi vay lãi 3 - 5%/tháng để thanh toán tiền hàng. Lần đó, không chỉ trắng tay, tôi còn âm chừng 2 triệu USD tiền vay từ chủ nợ.
Tôi còn nhớ mãi tình cảnh bị một chủ nợ tìm đến, gí súng vào thái dương. Thực sự lúc đó, tôi đã tuyệt vọng đến mức, không cảm thấy sợ hãi: “Nếu anh giết tôi, anh vừa mất trắng món nợ, vừa trở thành tội phạm. Tôi còn sống, anh còn cơ hội lấy lại tiền”. Nghe thế, biết rằng tôi phá sản thực sự, chủ nợ khi ấy khóc tu tu. Bình tĩnh lại, anh này đồng ý khoanh nợ cho tôi, thậm chí tìm cách hỗ trợ tôi khởi đầu lại.
Tôi chuyển qua hoạt động trong lĩnh vực tài chính, hỗ trợ xuất, nhập khẩu, đúng thời điểm thương mại quốc tế trở nên sôi động. Và chỉ trong hơn 1 năm đầu tôi đã trả được hết nợ. Tôi rất nhanh tích lũy được một khoản vốn kha khá, nhưng đến năm 2003 còn bị mất thêm 2,5 triệu USD nữa.
Khi đó, tôi mới bình tĩnh ngẫm nghĩ, cân nhắc, rồi quyết định chuyển sang kinh doanh lĩnh vực bất động sản. EACC ra đời từ đó và phát triển ổn định đến nay.
Và ông tự rút ra cho mình bài học gì?
Quyết liệt, liều lĩnh kinh doanh kiểu “bỏ trứng một giỏ” khiến tôi 3 lần phá sản, trắng tay. Bài học đầu tiên với tôi, đó là phải giữ được chữ tín, dù trong hoàn cảnh nào. Chính lòng tin đã mang đến cho tôi nhiều sự trợ giúp từ vốn đến cơ hội kinh doanh mỗi lần tôi vấp ngã.
Bài học thứ hai, với tôi đó là không bao giờ chấp nhận thất bại. Nếu ngã mà không chịu đứng dậy, cả đời sẽ sấp mặt xuống bùn. Như năm 1998, nếu tôi buông tay, thì với khoản nợ 2 triệu USD, tôi sẽ phải đi trốn nợ, giờ này có thể đang sống chui sống lủi ở đâu đó!
Tôi phải cảm ơn những lần thất bại đó, bởi tôi tự nhận thấy, mỗi lần từ đáy bò lên, lại là một lần tôi lột xác, thành một phiên bản mới, điềm tĩnh hơn, khiêm tốn hơn và cũng nhân văn hơn.
Tôi cũng tự nhìn nhận lại mình, tự thấy mình còn nhiều sở đoản, không ngừng học hỏi và học cả cách cân bằng hơn giữa việc kiếm tiền với các nhu cầu khác của cuộc sống.
Phải chăng đó cũng là lý do dẫn lối ông đến với văn chương, viết lách khi ra mắt cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang “Tuyết hoang” và trước đó là hồi ký “Em ơi Ba Lan”?
Thực ra trong bản thân tôi, kiếm tiền và viết văn cũng tương đối tách biệt. Khi vẫn bận tâm với cơm áo gạo tiền thì tôi chưa viết được văn. Lúc mạch văn tuôn trào thì trong tôi không mảy may có các toan tính đầu tư và kinh doanh.
Nhưng ở một khía cạnh khác, chính chất lãng mạn, bay bổng của một người viết cũng mang lại một số giá trị trong hoạt động kinh doanh, ít nhất là với tôi. Chính sự bay bổng, lãng mạn ấy là chất xúc tác cho tôi dám dấn thân vào những điều lớn lao, có những quyết định ngẫu hứng, sáng tạo khi tìm kiếm hướng đầu tư mới.
Cảm ơn ông!
Tập đoàn EACC do doanh nhân Trần Quốc Quân cùng hai người bạn đầu tư, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động từ năm 2003 đến nay. Hiện, tập đoàn đang sở hữu và quản lý một trung tâm thương mại diện tích 7ha, quy mô 400 gian hàng, ngay cửa sân bay cách Thủ đô Warsawa khoảng 23km. EACC cũng đầu tư một Khu đô thị Agat 13ha cạnh đó; Đầu tư, quản lý, vận hành khách sạn Sangate quy mô hơn 300 phòng, cách Thủ đô chừng 5km. Ngoài ra, gia đình ông Quân còn có một công ty riêng cũng kinh doanh khách sạn và cho thuê bất động sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận