Doanh nhân Lê Viết Hải
Ông Lê Viết Hải (SN 1958), Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM là một trong 2 doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV (cùng với ông Trịnh Chí Cường SN 1982, Tổng giám đốc Công ty CP nhựa Đại Đồng Tiến).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hải cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH, ông sẽ có cơ hội thực hiện nhiều dự định của mình.
Quá trình ông quyết định ra ứng cử ĐBQH như thế nào? Ông có sự chuẩn bị gì từ trước không?
Thực ra tôi chưa có sự chuẩn bị cho việc này. Khi vị chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố gọi điện thông báo Hiệp hội giới thiệu tôi ra ứng cử, tôi xin thời gian một đêm để suy nghĩ.
Bản thân tôi không phải là đảng viên, nhưng lại được Hiệp hội tin tưởng giới thiệu, tôi nhận thấy đây là cơ hội cho mình có thể góp tiếng nói vào việc xây dựng đất nước. Sau khi cân nhắc mọi mặt, sáng hôm sau tôi đồng ý nhận lời.
Với vai trò là một doanh nhân, khi tham gia ứng cử ĐBQH ông có thấy mình có những lợi thế hơn so với các ứng cử viên khác hay không?
Tôi nghĩ cũng chưa hẳn là tôi có lợi thế hơn so với các ứng cử viên khác. Doanh nhân như chúng tôi cũng chỉ hoạt động trên một số lĩnh vực nhất định, cụ thể như tôi chỉ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là chính.
Trong khi các ứng cử viên khác hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, nắm bắt được nhiều chính sách, hàng ngày tiếp xúc với nhiều người dân hơn. Vì vậy theo tôi doanh nhân chưa hẳn đã có lợi thế mà các ứng cử viên đều có những cơ hội như nhau. Cử tri sẽ sáng suốt để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng, đại diện cho mình để bầu vào Quốc hội.
Nếu trở thành ĐBQH, những vấn đề nào mà ông ưu tiên sẽ đưa lên diễn đàn Quốc hội?
Vấn đề bức xúc của người dân thành phố hiện nay là ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông, ngập nước, sự phát triển thiếu đồng bộ giữa kinh tế và văn hoá, xã hội, vấn đề dân trí…
Thành phố hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, nhưng văn minh không chỉ là bộ mặt của đô thị mà còn là thái độ ứng xử trong cuộc sống của người dân. Đây là những vấn đề tôi ưu tiên đưa ra nghị trường nếu trở thành ĐBQH.
Ông có tự tin vào khả năng trúng cử của mình?
Bản thân tôi làm gì cũng đúng mực, không vi phạm pháp luật, không tư lợi cá nhân.
Tôi nghĩ rằng cử tri thành phố có nhiều sự lựa chọn, bởi có nhiều người ứng cử. Mà những người ứng cử đều rất xứng đáng. Tôi sẽ thực hiện các chương trình tiếp xúc với cử tri thật tốt để họ đánh giá và có quyết định. Còn lại là tuỳ vào sự lựa chọn sáng suốt của cử tri.
Nếu được tín nhiệm và trúng cử, tôi có cơ hội để thực hiện những hoài bão của mình cho ngành xây dựng Việt Nam, góp phần phát triển đất nước. Còn nếu không được, thì những sứ mệnh, hoài bão, đích đến mà tôi đã xác định, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi và thực hiện.
Theo dõi hoạt động của Quốc hội thời gian qua, ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng pháp luật?
Tôi cho rằng quá trình xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn như Luật doanh nghiệp đã có những điều chỉnh tích cực để thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo tôi cần có những quy định pháp luật chặt chẽ về quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Bởi trong tình hình hiện nay doanh nghiệp nhà nước vẫn được xem là chủ đạo của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng những ưu đãi hơn doanh nghiệp tư nhân, trong đó họ được hưởng nhiều ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn… Vì vậy sự cạnh tranh chưa thực sự công bằng và việc đánh giá hiệu quả kinh doanh chưa hẳn chính xác, toàn diện.
Hiện ông đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và vật liệu TP.HCM. Thời gian qua, ông đã làm những gì để phát huy vai trò người lãnh đạo tại những tổ chức này?
Trong thời gian qua, tôi đã có nhiều đề xuất với cơ quan chức năng về chiến lược phát triển ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam và xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (tổng thầu) ra nước ngoài.
Tuy nhiên, với vai trò là lãnh đạo của hiệp hội, tiếng nói của tôi tại các hội nghị dù có đuợc lắng nghe nhưng chưa thực sự được quan tâm nhiều và có những hành động cụ thể. Nếu ở vai trò ĐBQH, tôi nghĩ tiếng nói của mình sẽ có trọng lượng hơn trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chiến lược đó.
Cụ thể chiến lược này như thế nào, thưa ông?
Trong những năm qua, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn. Các doanh nghiệp xây dựng trong nước có thể thực hiện nhiều công trình quy mô lớn, kỹ mỹ thuật cao, không hề thua kém trình độ các nước trong khu vực và giá cả thì rất cạnh tranh. Thế nhưng các nhà thầu nội vẫn chỉ thực hiện các dự án trong nước, chưa vươn ra được tầm quốc tế.
Tập đoàn xây dựng Hoà Bình cũng đã có những bước đi thâm nhập ở một số thị trường nước ngoài, song nếu đi một mình thì rất khó mà cần sự hợp lực, liên kết của nhiều doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng thương hiệu của ngành xây dựng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Muốn làm được điều đó, trước tiên nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội đảm nhận thầu ở những dự án lớn như hệ thống metro, hệ thống đường hầm với vai trò thầu phụ, sau đó là thầu chính.
Nhà nước cần có những hiệp định thương mại về xây dựng với các nước, đó là khung pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế, chứ không chúng ta sẽ mãi thua xa các nhà thầu nước ngoài.
Thị trường dịch vụ xây dựng quốc tế có quy mô đến 12.000 tỷ USD, trong khi thị trường trong nước chỉ khoảng 16 tỷ USD. Nếu chúng ta xuất khẩu dịch vụ xây dựng, chỉ cần chiếm 1% thì mỗi năm cũng thu về được nguồn ngoại tệ rất lớn cho quốc gia.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận