Đó là lời nhắn nhủ tới "một nửa thế giới" nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood).
Là một doanh nhân trẻ với khao khát nâng cao chất lượng sản phẩm Việt, đưa hàng Việt đi khắp năm châu, chị có thể chia sẻ về cơ duyên với ngành nông nghiệp?
Tất cả bệnh lý dẫn đến đều ở chế độ ăn uống sinh hoạt. Nhưng đến tận thời điểm đầu của thế kỷ 21, Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến vấn đề nông nghiệp sạch, mọi người mới chỉ quan tâm đến giá thành rẻ, nền nông nghiệp vẫn còn rất nhiều vấn đề về thực phẩm an toàn cần bàn đến.
Doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood)
Khi trở thành bác sỹ từ nỗi đau mất mẹ vì bệnh ung thư, tôi ngày càng thấy rằng, thực sự mình cần thay đổi và phải đi theo con đường có thể chữa bệnh được từ gốc là nông sản.
Vì thế, năm 2012, tôi cởi bỏ áo blouse và bắt đầu dấn thân vào thị trường nông sản cho đến bây giờ.
Trong một thị trường bão hòa, nhiều người Việt có tâm lý sính ngoại, chị chọn hướng đi nào cho hàng Việt?
Bắt đầu là câu chuyện không thể kinh doanh được trong nước những ngày đầu khởi nghiệp do lúc đó, người tiêu dùng mua hàng ngoại như một sự tự hào. Tôi quay sang tìm thị trường xuất khẩu để hình thành và khẳng định thương hiệu, sau 3 năm mới quay lại thị trường nội địa để thay đổi cách suy nghĩ của người tiêu dùng Việt.
Chúng tôi bắt đầu giáo dục khách hàng từ những thước phim Fly cam trên cánh đồng, thể hiện từ giao hạt, công đoạn chăm sóc đến thu hoạch… để khách hàng nhìn tổng thể hoạt động từ nông trại đến bàn ăn, từ đó dần dần chấp nhận hàng Việt.
Tôi cũng đã gần người tiêu dùng và thấu hiểu rằng, muốn hàng Việt được lựa chọn, doanh nghiệp cần có những đột phá để tạo sự tin tưởng từ chất lượng, sau đó mới nghĩ đến việc thay đổi được tư duy “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thực tế, vào những năm 2015, khi đưa hàng xuất dư bán ở thị trường nội địa, người tiêu dùng bắt đầu đổ xô mua hàng, có những thời điểm chúng tôi không có hàng bán. Điều này có được nhờ niềm tin “hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ hơn hàng trong nước” từ người tiêu dùng.
Bởi vậy, chúng tôi đã mạnh dạn đi trước đón đầu công nghệ khi xây dựng tiêu chuẩn global gap, ứng dụng công nghệ Israel vào sản xuất theo mô hình nhà màng, nhà lưới, nhà kính, công nghệ tưới tiêu tự động… để xây dựng Farm nông sản tại Hòa Bình.
Tôi cũng là người giám đưa chuyên gia vào Việt Nam để thực hiện những ý tưởng mới. Và hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu xong công nghệ Enzyme lên men bằng rau củ quả và đang thực hiện xây dựng hệ thống vận hành.
Mong muốn đến năm 2022, chúng tôi có thể đưa công nghiệp chế biến ăn nhanh “xé túi ăn liền” vào Việt Nam khi xu hướng giới trẻ ngày càng ngại vào bếp và nhu cầu phục vụ tại chỗ ngày càng tăng cao.
Tôi chọn hướng đi, muốn người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam thì phải biết đưa sản phẩm Việt ra nhiều dạng hơn hợp với xu hướng thế giới. Đặc biệt, phải lưu ý rằng, bán những thứ người Việt cần chứ không phải những gì chúng ta có.
Vinanutrifood đang phát triển chuỗi 500 siêu thị Nutrimart thuần Việt trên toàn quốc
Theo chị, phụ nữ hiện đại thời nay cần những yếu tố nào để thành công? Lời khuyên nào cho phái nữ khi dấn thân vào tạo dựng doanh nghiệp?
Phụ nữ làm doanh nghiệp vất vả hơn rất nhiều so với đàn ông do chúng ta còn nhiều nỗi lo toàn gia đình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không thể dẫn đến thành công bởi chúng ta hơn đàn ông ở chỗ chỉnh chu và thấu hiểu.
Phái nữ trước đây không dám kinh doanh và khởi nghiệp vì cảm thấy sợ khi luôn luôn nghĩ mình vượt qua chồng thi sẽ bị định kiến, hay nếu làm không tốt thì chồng không tôn trọng. Nhưng với một xã hội hội nhập, mọi thứ đã khác!.
Không có con đường thành công nào lại trải đầy hoa hồng, bản thân tôi để có được ngày hôm nay cũng trải qua rất nhiều khó khăn và sóng gió. Bởi vậy, người phụ nữ hiện đại cần biết kết nối công việc, các mối quan hệ trong một môi trường cần sự ứng biến nhanh, luôn bất định.
Doanh nghiệp của tôi luôn luôn làm và đề cao việc đối đãi với nhân sự để họ thấy đây là doanh nghiệp của họ và họ cống hiến hết mình. Công việc cũng thuận lợi khi không có sự xa cách giữa lãnh đạo và nhân viên nhờ sự thấu hiểu của phái nữ.
Giữa bộn bề công việc, chị sắp xếp ra sao để được quây quần bên người thân và giữ lửa gia đình?
Khi tôi về nhà, cởi bộ vest ra tôi thực sự là một bà nội trợ không hơn không kém, nhiều khi vẫn phải đạp xe đạp ra chợ để mua đồ ăn. Hay khi ông xã phải làm việc khuya, tôi vẫn chuẩn bị đồ ăn, trái cây cho chồng.
Tôi mất mẹ sớm nên bản thân luôn khao khát mái ấm gia đình. Quan trọng nhất đối với tôi là sự quan tâm, chu đáo dành cho chồng, con. Tôi không bao giờ mang thái độ mệt mỏi, sụp đổ của công việc về nhà bởi mục đích của tôi chính là kiếm tiền để có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Bởi vậy, trừ những ngày đi công tác, còn lại tôi chỉ quây quần ở nhà chuẩn bị ngày 3 bữa cơm cho gia đình. Việc nhà cũng là giải pháp giúp tôi giảm stress và gần gũi gia đình hơn.
Tôi cho rằng, người phụ nữ đầu tư đúng nhất chưa chắc đã phải nhan sắc mà đầu tư vào người chồng. Nếu mình đầu tư đúng thì chắc chắn cuộc đời mình nở hoa.
Trong cuộc sống, tôi vẫn luôn thực hiện đúng nguyên tắc "phải nâng cao giá trị bản thân thì mới làm cho người khác trao cho mình giá trị cao hơn", nên tôi rất nghiêm khắc trong việc bố trí thời gian của mình để làm sao vừa có thể trau dồi thêm kiến thức, vừa làm tròn trách nhiệm gia đình. Phần lớn thời gian, tôi phải làm cả khi người ta đi ngủ để có thời gian vui chơi với con cái.
Dù rằng, có thời điểm rất khó khăn, nhưng có bất cứ điều gì xảy ra, gia đình vẫn là nền tảng để tôi phát triển bản thân và không bao giờ cho phép mình hy sinh gia đình chỉ vì sự nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận